3.000 doanh nhân hội tụ với khát vọng thương hiệu Việt
Phát biểu trước khoảng 3.000 doanh nhân tham dự lễ ra mắt chương trình Dịch vụ Cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam (5/8), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng hơn bao giờ hết các doanh nhân trong nước phải liên kết, vượt khó để xây dựng thương hiệu Việt.
Phát biểu trước khoảng 3.000 doanh nhân tham dự lễ ra mắt chương trình Dịch vụ Cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam (5/8), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng hơn bao giờ hết các doanh nhân trong nước phải liên kết, vượt khó để xây dựng thương hiệu Việt.
Chương trình được Học viện Doanh nhân LP Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) ngày 5/8, với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nhân trong cả nước.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc hằng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nhiều doanh nghiệp khác “cắn răng” chịu lỗ để duy trì sản xuất, kinh doanh cho thấy đây là giai đoạn khó khăn lớn đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nhân nói riêng.
Mặt khác, “Tôi đã đi nhiều nước, và đôi khi cảm thấy rất tiếc khi hỏi những nhân viên khách sạn và được trả lời là họ không biết đến Việt Nam. Lý do họ đưa ra là họ dùng ôtô Nhật Bản, hàng điện tử Hàn Quốc, hàng tiêu dùng Thái Lan nên biết tới các quốc gia đó qua chính hàng hóa mà họ sử dụng”, ông Lộc cho biết.
Chính vì thế, ông Lộc cho rằng cùng với các chương trình của VCCI, chương trình Dịch vụ Cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam là nơi hội tụ tốt, để các doanh nhân liên kết cùng “vượt bão” vì sự thịnh vượng của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu quốc gia. Ông Lộc cho rằng, với chữ tín, ý thức thương hiệu và sự gắn kết thì doanh nhân Việt hoàn toàn có thể đưa hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tới các thị trường quốc tế.
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cũng thẳng thắn cho rằng một đất nước muốn giàu mạnh phải yêu doanh nhân và xem trọng những đóng góp của doanh nhân. Để làm được điều này, theo ông Vũ, cần sự nỗ lực từ hai phía: nhà nước cần nhìn nhận đúng sự đóng góp của giới doanh nhân với thương hiệu và sức mạnh quốc gia, giới doanh nhân cũng cần liên kết, đóng góp trí tuệ và sức lực của mình vào thương hiệu chung và sự phồn thịnh của đất nước.
Ông Vũ kêu gọi giới doanh nhân đóng góp những ý kiến, kế sách để thông qua những chương trình như LP Việt Nam tổ chức, gửi tới các nhà hoạch định chính sách và điều hành đất nước.
Về chương trình Dịch vụ Cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam, ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam cho biết, chương trình này đã được LP Việt Nam nghiên cứu rất nhiều năm trước khi công bố. Chương trình nhằm chia sẻ những nhận thức mới nhất về kinh tế, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; đồng thời cùng với cộng đồng doanh nhân Việt sáng tạo một sân chơi giá trị mới với các công cụ cạnh tranh hữu hiệu nhất.
Với mục tiêu quy tụ và kết nối doanh nhân - doanh nghiệp Việt ở trong và ngoài nước, chương trình được thực hiện với nhiều nội dung và giải pháp cụ thể như Xây dựng Thương hiệu Việt và Xúc tiến Thương mại; Quy tụ và Kết nối các Doanh Nhân - Doanh nghiệp Việt; Tư vấn, giao lưu, chia sẻ về các hoạt động Kinh tế - Kinh doanh - Quản trị Doanh nghiệp; Lập Thẻ Thành viên Cộng đồng Doanh Nhân LP Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, chương trình đã giới thiệu Quỹ Khuyến tài Cộng đồng Doanh Nhân LP Việt Nam, với sự đóng góp tự nguyện của các doanh nhân nhằm phát hiện và tham gia vào quá trình đào tạo các Tài năng trẻ Việt Nam nhưng không có hoặc thiếu các điều kiện để phát triển Tài năng thuộc các lĩnh vực Khoa học, Nghệ thuật, Thể thao, Kinh doanh, Phục vụ Cộng đồng.
Ngay trong buổi lễ, quỹ đã đón nhận sự đóng góp của hàng chục doanh nhân, với giá trị khoảng 1 tỷ đồng. LP Việt Nam cho biết sẽ có các chương trình hỗ trợ quỹ hoạt động hiệu quả, minh bạch nhưng sẽ không tham gia vào hội đồng quản lý quỹ.
Hồng Kỹ