Chờ quyết sách về bội chi
Nhiều đại biểu đặt vấn đề: chúng ta cần tăng đầu tư công để kích thích kinh tế, thế nhưng nợ xây dựng cơ bản gần 100 nghìn tỷ đồng bị “dây dưa” từ lâu chưa được giải quyết.
Nếu giải phóng được khoản này sẽ hỗ trợ kích thích thị trường...
Diễn đàn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII tuần qua khá nóng vấn đề tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Nền kinh tế đất nước xoay chuyển quá nhanh, từ trạng thái ưu tiên kiểm soát lạm phát thì nay chúng ta lại phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế.
Biểu hiện rõ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước do tổng cầu suy giảm, sức mua kém, hàng nghìn DN phá sản. Những câu chuyện bên hành lang Quốc hội đôi khi nóng hơn trong nghị trường, với nhiều ý kiến khác nhau về biện pháp hâm nóng nền kinh tế.
Có đại biểu cho rằng, chúng ta phải “chịu đau” một lần, chấp nhận cho DN phá sản, chấp nhận sự thanh lọc để có một “cơ thể” kinh tế “cường tráng” có thể chịu được sóng to, gió lớn. Nhưng đại biểu khác lại cho rằng, không thể đứng nhìn DN tiếp tục phá sản. Chẳng trái tim nào đủ “sắt đá” để có thể làm ngơ khi đằng sau sự suy giảm của nền kinh tế là ảnh hưởng đến công ăn việc làm, an sinh xã hội...
Các giải pháp của Chính phủ vẫn lấy chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) làm trung tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiêu quả của CSTT không còn nhiều, bởi ngân hàng muốn bơm tiền ra nền kinh tế nhưng DN không hấp thụ được. Thậm chí có đại biểu Quốc hội còn xót xa:
Ngân hàng cho vay lãi suất 8-9%/năm mà DN không dám vay, bởi đơn giản hàng hóa làm ra không bán được thì sao dám vay tiền. Đó là biểu hiện rõ nét nhất cho thấy hiệu quả của CSTT trong vực dậy nền kinh tế là rất khó phát huy nếu không được sự trợ sức của các chính sách khác, đặc biệt là CSTK.
Trong bối cảnh như vậy, CSTK phải tỏ rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Theo TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, mặc dù chúng ta đang lo lắng về nợ công tăng cao, nhưng nhìn về trung hạn, trước mắt trong 1-2 năm phải xử lý kích khu vực đầu tư công. Bởi đây là khu vực có dư địa lớn nhất để kích thích thị trường, tăng tổng cầu.
Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN hay giảm VAT cũng đang được Quốc hội bàn thảo trong dự thảo sửa đổi 2 Luật này và sẽ được thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 5 này. “Chúng ta chấp nhận nguồn thu có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng nuôi dưỡng tạo nguồn thu cho trung và dài hạn” – TS. Trần Du Lịch cho biết.
Theo đó, cần mở hơn với đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình hạ tầng như đường, trường, trạm... song có thể dừng xây dựng những công trình trụ sở cơ quan, mua sắm công không cần thiết để giảm bội chi.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề: chúng ta cần tăng đầu tư công để kích thích kinh tế, thế nhưng nợ xây dựng cơ bản gần 100 nghìn tỷ đồng bị “dây dưa” từ lâu chưa được giải quyết. Nếu giải phóng được khoản này sẽ hỗ trợ kích thích thị trường.
TS.Trần Du Lịch đề xuất, Quốc hội phải xem xét, có thể năm nay tạo đột biến, cho phép tăng thêm mức phát hành trái phiếu Chính phủ, sau đó bớt lại một ít vốn để xử lý “cục nợ” xây dựng cơ bản. Nếu xử lý được 50 - 70% số nợ này thì cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. Điều này cũng sẽ góp phần xử lý một lượng không nhỏ nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì DN không được giải ngân vốn từ ngân sách cho các công trình xây dựng cơ bản thì lại nợ DN khác, nợ ngân hàng... tạo thành dây chuyền nợ.
Còn TS.Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, nếu năm nay chúng ta không đạt được 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì Chính phủ nên mạnh dạn cho phát hành thêm trái phiếu. Quốc hội đã thông qua việc phát hành 45 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm nay, nhưng có thể cho phép lấy nguồn của những năm sau để phát hành thêm ngay trong năm nay. Cùng với đó, lĩnh vực đầu tư công cho “tam nông” cũng cần tiếp tục phải đẩy mạnh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ sẽ tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; làm sao để đảm bảo sau 5 năm sẽ có mức tăng tối thiểu 2 lần so với 5 năm trước.
Những phân tích trên có thể thấy, để tăng tổng cầu, gỡ khó cho nền kinh tế, chúng ta cần quyết sách sớm về bội chi ngân sách và những hành động mạnh mẽ hơn từ CSTT, Tuy nhiên việc đẩy mạnh đầu tư công phải đi đôi với giám sát chặt chẽ để nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng như hạn chế những hiệu ứng phụ về sau như lạm phát.
Theo Chí Kiên
TBNH