Đã vay là phải trả!
Vay nợ nói chung và nhà nước đứng ra vay nợ (nợ công) nói riêng là một trong những hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường.
Vay nợ nói chung và nhà nước đứng ra vay nợ (nợ công) nói riêng là một trong những hiện tượng phổ biến trong nền kinh tế thị trường.
Nhưng đã vay thì phải trả cả gốc và lãi, nên để bảo đảm trả được nợ thì phải sử dụng đồng vốn vay một cách có hiệu quả (về nguyên tắc, lợi nhuận thu được phải lớn hơn lãi suất đi vay).
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư luôn có rủi ro và mức lãi thu được phụ thuộc vào tính chất của từng loại dự án cũng như chu kỳ kinh doanh của mỗi loại sản phẩm. Do đó, việc khống chế mức độ nợ nói chung, nợ công nói riêng là bắt buộc, để đảm bảo an toàn tài chính nói riêng và an ninh tài chính toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh chung như vậy, ngày 27/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 958/QĐ-TTg về "Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030" (QĐ 958).
Quyết định nêu rõ nhiệm vụ: Duy trì các chỉ số nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP. Theo các nhà quản lý tài chính, đây được xem là "mức an toàn được Quốc hội phê chuẩn trong từng giai đoạn và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Vì thông lệ quốc tế theo cách hiểu thông thường là đúc rút từ những quan sát thực tế của nhiều nền kinh tế, qua nhiều thời kỳ, được số đông thừa nhận nợ công ở mức đó là chấp nhận được, chưa đến mức trực tiếp gây ra mất ổn định, mà không có một văn bản nào quy định mang tính bắt buộc cho mọi quốc gia, nên điều quan trọng trước tiên vẫn là sử dụng đồng vốn vay đó như thế nào để có thể đảm bảo trả được nợ.
Vay nhiều, sử dụng có hiệu quả, trả được nợ thì vẫn an toàn. Ngược lại, vay ít mà sử dụng không hiệu quả, không trả được nợ thì vẫn có nguy cơ không an toàn.
QĐ 958 cũng xác định: "Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm không quá 25%". Đây là số liệu tương đối, trong khi số thu ngân sách nhà nước hằng năm là số lượng tuyệt đối. Quy mô ngân sách thu được phụ thuộc vào quy mô hoạt động kinh tế của các đối tượng nộp thuế và các sắc thuế.
Vì vậy, nếu quy mô hoạt động kinh tế của các đối tượng nộp thuế vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức có thể dự báo được, các sắc thuế không đổi thì các nhà quản lý tài chính có thể "kế hoạch hóa" được số thu ngân sách nhà nước hằng năm và có thể dự kiến, khống chế được việc trả nợ trực tiếp của Chính phủ tính theo tỷ lệ phần trăm so với ngân sách thu được.
Nhưng trong tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại, để có nguồn thu ngân sách tăng lên theo dự kiến thì phải thay đổi sắc thuế, cách tính thuế... (theo hướng tăng để bù vào phần tăng trưởng bị chậm lại) và tìm kiếm các nguồn thu khác.
Đánh giá tính khả thi trong trường hợp này không dễ, vì chủ yếu phụ thuộc vào dư địa trong việc tăng thu ngân sách của nền kinh tế như thế nào, khả năng tính toán mức độ lợi và hại trong quan hệ ngắn hạn và dài hạn như thế nào.
Nếu các điều kiện về nguồn thu vẫn đảm bảo theo nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu về dài hạn thì tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ hằng năm so với ngân sách nhà nước không quá 25% là chỉ tiêu có tính khả thi.
Theo QĐ 958, nợ công "bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương", nếu nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà không do Chính phủ bảo lãnh thì không tính là nợ công. Vậy theo lý thuyết, chỉ có phần nợ mà DNNN vay có sự bảo lãnh của Chính phủ thì mới bàn đến "tác động qua lại giữa nợ của DNNN với nợ công".
Tuy nhiên, giới hạn này lại chỉ đúng khi trên thực tế, phần nợ DNNN vay không do Chính phủ bảo lãnh tự DNNN trả, không viện đến ngân sách nhà nước.
Còn một khi, vì bất cứ lý do gì, ngân sách nhà nước phải can thiệp cho số nợ mà DNNN vay (không do Chính phủ bảo lãnh), thì lẽ đương nhiên là có sự "tác động qua lại giữa nợ của DNNN với nợ công", mà là tác động theo chiều hướng xấu! Vậy nên, trong chính sách cũng như trong chỉ đạo thực tiễn, rất cần sự rạch ròi trong quy định trách nhiệm và quyền hạn của các DNNN.
Gần đây có ý kiến cho rằng, đầu tư công tác động mạnh đến tăng trưởng, nhưng chỉ trong thời gian 5 năm, sau đó giảm dần. Ở đây có một vài điểm chưa rõ, chẳng hạn, thời gian 5 năm của sự tác động mạnh từ đầu tư công đến tăng trưởng là nói cho từng dự án hay toàn bộ đầu tư công?
Nếu là toàn bộ đầu tư công thì việc đầu tư là nối tiếp nhau qua thời gian, không phải chỉ đầu tư một lần rồi thôi, làm sao phân biệt được là nó chỉ tác động mạnh đến tăng trưởng chỉ trong 5 năm rồi sau đó giảm dần?
Giả sử có như thế thì liệu có đủ căn cứ để nói là không tốt khi xu hướng thời gian khấu hao ngày càng ngắn lại do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ?
Chưa rõ ý kiến này là kết quả của một nghiên cứu cụ thể hay mới chỉ là một giả thuyết, nhưng với tư cách một người nghiên cứu, tôi cho rằng dù là gì, ý kiến này cũng nên được lưu ý để triển khai nghiên cứu nếu đó mới là giả thuyết và kiểm định thêm nếu đã có một hoặc một số ít nghiên cứu.
Theo PGS-TS. BÙI TẤT THẮNG - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển