Đáng ngại tần suất tăng giá xăng dày đặc
Mỗi lần vài trăm, cộng dồn nhiều lần tăng liên tiếp không chỉ gây xáo trộn tâm lý dân chúng mà thực tế cũng làm đội giá tiêu dùng và chi phí sản xuất kinh doanh.
Mỗi lần vài trăm, cộng dồn nhiều lần tăng liên tiếp không chỉ gây xáo trộn tâm lý dân chúng mà thực tế cũng làm đội giá tiêu dùng và chi phí sản xuất kinh doanh.
Mức tăng thêm vỏn vẹn 460 đồng một lít đủ để đẩy giá xăng RON 92 lên kỷ lục 24.570 đồng từ 17/7. Và chỉ trong 33 ngày với 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng đã đắt thêm tổng cộng 1.240 đồng, xấp xỉ lần tăng kỷ lục cuối tháng ba.
Bộ Tài chính lý giải việc 3 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp thời gian qua là phù hợp với diễn biến trên thị trường thế giới. Tính bình quân 30 ngày gần đây (từ 17/6 đến 16/7), giá xăng RON 92 ở mức 117,47 USD một thùng, cao hơn 13 USD so với lần điều chỉnh trước. Ngoài ra, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu cũng thấp hơn barem quy định, quỹ bình ổn giá đến hết ngày 10/7 cũng chỉ còn khoảng 61 tỷ đồng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tỏ ý lo ngại về mật độ tăng quá dày này và theo ông nó không chỉ gây tác động tâm lý cho người dân mà còn khiến giá cả các mặt hàng, chi phí của doanh nghiệp tăng lên.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề liệu tần suất tăng giá như thời gian qua có hợp lý khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang phải tiết giảm mọi loại chi phí. "Chắc chắn khi xăng dầu tăng sẽ khiến cho giá các mặt hàng khác tăng theo", ông nói.
Theo Nghị định 84 về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp được phép tăng giá tối thiểu 10 ngày một lần, như vậy, có thể có trường hợp trong một tháng sẽ diễn ra 3 lần xăng dầu tăng giá. "Từ đây mới thấy cái bất cập của cơ chế điều hành giá hiện nay, cần nêu cao hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước. Nhà điều hành cần phải nắm được tình hình lãi lỗ từng thời kỳ của doanh nghiệp, chứ không chỉ dựa vào báo cáo của các đơn vị", chuyên gia Ngô Trí Long bình luận.
Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các đợt tăng giá liên tục vừa qua cũng tỏ rõ bất bình. Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ ngành vận tải gặp khó khăn rất lớn sau những lần điều chỉnh dày đặc này. Trước đó, các hãng chưa dám tăng cước vì sợ mất khách, nhưng tới lần thứ 3 liên tiếp này Hiệp hội sẽ phải tính toán lại.
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết theo cách tính chỉ số giá hiện nay, CPI tháng bảy sẽ chỉ chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng 28/6 (lần tăng giá thứ hai với mức 360 đồng một lít), còn lần tăng 14/6 và ngày 17/7 thể hiện trong kỳ CPI tháng sáu và tháng tám. Dẫu vậy, lần tăng 14/6 quá sát hạn chót tính CPI tháng sáu (15/6) nên cũng tác động nhiều hơn vào tháng 7.
Theo ông với mức tăng vài trăm đồng của những lần vừa qua, tác động vòng đầu lên CPI sẽ không lớn, còn tác động đến vòng 2 vào các mặt hàng và ngành khác như vào sẽ phải chờ thời gian dài.
Bản tin của Công ty Chứng khoán TP HCM công bố vài ngày trước đặt giả thiết giá xăng có thể tăng 350 đồng một lít trong tháng 7 (bằng 76% mức tăng thực tế), chưa kịp tác động tới CPI trong tháng nhưng sẽ khiến CPI tháng 8 tăng thêm 0,25% và tiếp tục làm CPI hai tháng tiếp theo tăng 0,23%.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu được các chuyên gia ủng hộ và cho rằng sẽ giúp giảm bớt áp lực dư luận với cách thức điều hành thị trường xăng dầu. Trong quyết định công bố tối 17/7, Bộ Tài chính cắt giảm hai phần ba lợi nhuận định mức, tức là thay vì được cố định mức lãi 300 đồng trong cơ cấu giá cơ sở thì nay doanh nghiệp chỉ còn được 100 đồng mỗi lít. Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam chia sẻ "nếu không có việc giảm lợi nhuận định mức, giá xăng dầu đáng ra phải tăng 660 đồng chứ không chỉ 460 đồng một lít".
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đây chính là giải pháp để chia sẻ với người dân, vì trong hoàn cảnh khó khăn, không thể để doanh nghiệp vẫn được hưởng một phần lợi nhuận như vậy. "Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí bị lỗ nên không thể nghiễm nhiên riêng doanh nghiệp xăng dầu được hưởng nguồn thu tới 300 đồng một lít", ông phản ánh. Thậm chí, vị này còn cho rằng nên giảm ba phần tư thay vì mức hai phần ba.
Chung ý kiến, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hoan nghênh việc giảm lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp để giá thành xăng bán ra không cao quá so với giá nhập khẩu. Song, việc có bỏ hoàn toàn hay xem lại cơ chế tính lợi nhuận định mức theo ông sẽ cần phải tính toán thêm.
Huyền Thư