Đập thuỷ điện vỡ do chủ đầu tư làm sai thiết kế

Cập nhật: 2013-06-14 01:14:00

Trong khi chủ đầu tư khẳng định đập thủy điện Ia Krel 2 đảm bảo chất lượng và đập vỡ là do sự cố, thì cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng, "chủ đầu tư đã làm sai thiết kế". 

Con đập bất ngờ bị vỡ, cuốn phăng đi nhiều hoa màu của người dân dưới hạ lưu. Ảnh: Tuỳ Phong

 Trong khi chủ đầu tư khẳng định đập thủy điện Ia Krel 2 đảm bảo chất lượng và đập vỡ là do sự cố, thì cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng, "chủ đầu tư đã làm sai thiết kế". 

Rạng sáng 12/6, đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị vỡ một đoạn khoảng 40 m khiến nước trong lòng hồ ào ào tràn về hạ du. Bề mặt đoạn thân đập bị vỡ xuất hiện 3 vết nứt ngang, một số điểm sụt lún. Cống dẫn dòng bê tông cốt thép và miệng cống phía thượng lưu không thấy dấu hiện biến dạng, chuyển vị. Phần nắp dọc thân cống bị phá vỡ kết cấu bê tông cốt thép, phần cuối cống khoảng 10 m bị cắt rời, đẩy trôi về hạ lưu. Mái thượng lưu, hạ lưu gần đoạn đập vỡ bị phá hủy, sụt lún.

Ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, do đây là công trình thủy điện tư nhân nên cơ quan quản lý chỉ có ý kiến về thiết kế cơ sở, còn việc thiết kế dự toán thi công do chủ đầu tư tự quyết định. Do đó, việc đi sâu vào quản lý chất lượng công trình này do chủ đầu tư có trách nhiệm thuê tư vấn để giám sát. Sở chỉ giám sát bằng mắt thường, giám sát tiến độ thi công chứ không giám sát bằng kỹ thuật.

Theo ông Tục, qua kiểm tra sơ bộ, công trình này "do thi công không đảm bảo chất lượng" nên mới xảy ra sự cố vỡ đập. Bởi trước đó trên địa bàn huyện Đức Cơ không có mưa hay lũ quét, dung tích nước mới được khoảng 50% theo thiết kế. Tại đập tràn cao trình, mực nước ở thời điểm xảy ra sự cố cách đỉnh tràn (cao trình 203 m) khoảng 1,6 m (tức là ở cao trình khoảng 201,4 m), mực nước này thấp hơn mực nước chết.

"Từ đó, chúng tôi loại trừ ngay khả năng đập vỡ do tích nước vượt quá thiết kế. Có thể chủ đầu tư đã thi công không đúng kỹ thuật, không đúng thiết kế và về mặt quy trình thì cũng không đúng lắm", ông Tục nói.

Trước câu hỏi, đoạn nào của thân đập thủy điện Ia Krêl 2 được đổ bê tông cốt thép, ông Tục bảo: "Rất khó trả lời vì những chỗ đã làm bê tông bị trôi mất rồi".

Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng về việc đập thuỷ điện bị vỡ là do đã làm sai thiết kế. Ảnh: Tuỳ Phong

Cùng quan điểm, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cũng cho rằng, chủ đầu tư đã "thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế ban đầu". Trong đó, phần ốp mái thượng lưu đúng ra phải lát tấm bê tông chèn mạch, nhưng ở đập thủy điện Ia Krêl 2 không có, cống vắt ngang cũng không ổn định kết cấu.

Theo ông Vinh, UBND tỉnh Gia Lai sẽ cùng các cơ quan liên ngành kiểm tra toàn bộ sự cố, thống kê thiệt hại để yêu cầu chủ đầu tư đền bù cho người dân đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giám định chất lượng công trình. Cũng trong ngày 13/6, Bộ Xây dựng đã cử cán bộ của Cục Giám định chất lượng nhà nước các công trình xây dựng vào hiện trường để nắm tình hình, xác định nguyên nhân sự cố.

Công trình Thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty TNHH Bảo Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng Btranco-5 thi công. Công ty CP Tư vấn Xây dựng Trí Việt (TP HCM) lập dự án, thiết kế cơ sở; Văn phòng Tư vấn thẩm định Thiết kế và Giám định Chất lượng công trình (ĐH Thủy lợi) thiết kế bản vẽ thi công.

Thủy điện được thiết kế theo hình thức đập đất với chiều cao 27 m, chiều dài 255 m, chiều rộng đỉnh đập là 6 m và chiều cao tường chắn sóng là 1,2 m.

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading