Điều tra chống bán phá giá thép: Một số doanh nghiệp phản ứng?
Việc áp dụng biện pháp chống phá giá này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật do giá thành bị đẩy lên cao.
Việc áp dụng biện pháp chống phá giá này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật do giá thành bị đẩy lên cao.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4460/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo quyết định này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các thủ tục điều tra tiếp theo căn cứ các quy định của pháp luật về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, cụ thể là Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29-4-2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ.
Các bên có lợi ích liên quan nếu muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc này phải đăng ký với cơ quan điều tra để được tiếp cận và được cung cấp thông tin. Đơn đăng ký quyền tiếp cận thông tin liên quan của vụ việc phải được gửi tới cơ quan điều tra trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra vụ việc.
Trước đó, ngày 27-5, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố thông tin về việc Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Trước thông tin trên, một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ và các văn phòng đại diện của các nhà máy sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam đã có văn bản gửi các bộ, ngành phản ứng với lý do họ là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ, hiện đang nhập khẩu nhiều chủng loại thép không gỉ cán nóng, cán nguội từ các thị trường trên thế giới như Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan... để sản xuất các sản phẩm phục vụ dân dụng, công nghiệp, an ninh quốc phòng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Việc áp dụng biện pháp chống phá giá này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, kỹ thuật do giá thành bị đẩy lên cao; người tiêu dùng trong nước khó tiếp cận các sản phẩm thép không gỉ; ngành công nghiệp thực phẩm, y tế, dược phẩm sẽ đối diện với nguy cơ đầu tư cao...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc vụ kiện bởi việc này ảnh hưởng đến quyền lợi khác nhau giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, cần tránh việc “ăn miếng trả miếng”. Ví dụ, Ủy ban châu Âu (EC) điều tra chống bán phá giá đối với pin năng lượng mặt trời và các phụ kiện kèm theo có nguồn gốc từ Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) thì ngay sau đó Trung Quốc cũng mở cuộc điều tra chống phá giá nhằm vào rượu vang nhập khẩu từ châu Âu.