DN dệt may chuyển ra khỏi trung tâm TP: Cần các chính sách

Cập nhật: 2013-07-05 01:52:59

Thực hiện chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP HCM, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành dệt may đang được chuyển ra khỏi TP. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở dệt may ra khỏi khu vực trung tâm TP đang gặp những thách thức lớn...

Thực hiện chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP HCM, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành dệt may đang được chuyển ra khỏi TP. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở dệt may ra khỏi khu vực trung tâm TP đang gặp những thách thức lớn...

Theo ông Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Cty may quốc tế Thắng Lợi, hiện lợi nhuận hàng năm của Thắng Lợi chỉ đạt khoảng 15 tỉ đồng, nhưng phải nộp tiền truy thu thuế đất lên tới 52 tỉ đồng. Không có khả năng chi trả nên DN đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong lúc vấn đề này đang chờ TP hỗ trợ, tháo gỡ thì nay việc phải dời nhà máy như thêm “gáo nước lạnh” đổ xuống đầu DN.

Gáo nước lạnh

Ông Hòa chia sẻ, nếu giờ phải chuyển nhà máy đi nơi khác, DN của ông không chỉ đối mặt với nguy cơ mất lao động mà còn tốn thêm hàng tỉ đồng cho chính sách hỗ trợ thôi việc cho công nhân có thâm niên tại Cty. Bên cạnh đó cần lượng vốn rất lớn đầu tư xây dựng cơ sở mới...

Theo kế hoạch di dời của Thắng Lợi, gần 4.000 lao động hiện đang làm việc tại Cty sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. “Nhưng chắc chắn, sẽ không mấy ai trong số họ chịu chuyển đến địa điểm mới bởi tâm lý “ly nông bất ly hương”” - ông Hòa khẳng định.

Vị này nhẩm tính, để đầu tư một nhà xưởng mới ngốn hết 100 tỉ đồng (Cty phải vay toàn bộ). Vậy mà, khó ở chỗ, để được vay vốn ngân hàng không hề đơn giản. Theo ông Hòa, hiện các DN dệt may đang phải vay với lãi suất lên tới 12% nhưng cũng rất khó vay do các ngân hàng đều yêu cầu DN phải thế chấp tài sản. Điều đáng nói là việc thế chấp tài sản cũng khó khăn không kém : Nếu như trước đây DN dệt may chỉ cần thế chấp tài sản bằng thiết bị máy móc hoặc hàng tồn kho là được vay thì nay ngân hàng không chấp nhận việc thế chấp bằng 2 loại tài sản này. Bây giờ, DN phải thế chấp tài sản bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì mới được vay. Trong khi, đất nền cũ của DN TP đã có chủ trương chuyển đổi công năng, xây trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... giảm áp lực cho TP về vấn đề giáo dục, y tế và giao thông..

“Vấn đề đặt ra là DN mới đang chuẩn bị di dời đã có tiền xây dựng đâu mà có tài sản trên đất để thế chấp, và như thế thì không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng?”, ông Hòa đặt dấu hỏi.

DN trông chờ gì ?

Có thể nói, quyết định di dời các DN ngành dệt may thâm dụng lao động, nguy cơ gây ô nhiễm cao ra khỏi khu vực trung tâm TP HCM là tất yếu. Thế nhưng, điều đáng bàn là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… đến các tỉnh đều không mặn mà với việc đón nhận những DN ngành này.

Lãnh đạo Cty TNHH MTV dệt may Gia Định lo lắng, chúng tôi đã tính tới việc chuyển cơ sở sản xuất xuống Long An, Tây Ninh nhưng các tỉnh này đều né tránh bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Để đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn, DN phải tốn hàng triệu USD, điều này không dễ dàng đối với các DN trong nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

“Đề nghị TP nên tập trung các DN này thành một khu riêng và TP phải có những chính sách “dọn đường” như đầu tư hệ thống xử lý môi trường. DN sẽ đóng phí sử dụng từ từ, chứ trước khi bắt tay vào sản xuất mà TP bắt buộc DN phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn loại A, loại B thì DN không đủ tiềm lực để làm riêng" - ông Hòa đề xuất

Trong lúc chờ chính sách đầu tư về hạ tầng, giải pháp trước mắt “cứu” DN ngành dệt may, ông Hòa kiến nghị : TP nên lùi thời hạn di dời đối với một số DN ngành dệt may như Thắng Lợi, Đông Á, Đông Nam, Gia Định, Dệt Thành Công... Nếu buộc phải di dời thì TP cần có chính sách hỗ trợ di dời; tạo điều kiện để DN di dời đến một địa điểm gần nhất trong phạm vi TP như Củ Chi, Hóc Môn… Đồng thời, TP nên có chính sách trợ cấp, giải quyết khó khăn cho người lao động vì khi Cty di dời đi họ bị mất việc làm và chắc chắn sẽ mất vài tháng để ổn định cuộc sống.

Thực tế, TP HCM vẫn là nơi hấp dẫn ngành dệt may. Năm 2012, sản lượng của ngành dệt may tại TP HCM đã chiếm trên 37% tổng sản lượng toàn quốc. Ngoài các cơ sở may gia công của hộ gia đình, toàn TP hiện có hơn 5.400 DN dệt và may (bao gồm sản xuất và thương mại), với tổng số lao động trên 306.000 công nhân. Trong đó, những Cty lớn nhất đóng trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi - nơi có lợi thế giá đất rẻ mà vẫn gần các khu vực dệt may truyền thống như Tân Bình để tận dụng lợi ích cụm công nghiệp. Chính vì vậy, các DN ngành dệt may đang đặt ra một câu hỏi : “Tại sao TP lại không hỗ trợ ngành dệt may ? Phải chăng chỉ vì lý do ngành này không phải là ngành công nghệ cao mà chỉ là ngành sản xuất thuần túy, thâm dụng lao động nên TP muốn đẩy đi càng xa càng tốt ?”.

Ông Trần Anh Tuấn - PGĐ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, Sở LĐTB-XH TP HCM: Cần sự can thiệp từ chính sách

Do mức lương thấp và môi trường làm việc vất vả nên hầu hết nhân sự ngành dệt may là lao động nhập cư từ các tỉnh. Nhưng, cho dù Cty có chuyển sang tỉnh khác thì chắc chắn họ cũng không về tỉnh mà cố gắng bám trụ ở TP bằng mọi giá. Vì thế, DN sẽ mất đi lực lượng lao động có tay nghề. Do đó, để giải quyết được vấn đề lao động thì bản thân các DN cần phải có những cải thiện về chế độ lương, thưởng, môi trường làm việc. Trong đó việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà lưu trú, nhà giữ trẻ, điểm sinh hoạt cộng đồng dành cho công nhân góp phần quan trọng vào việc thu hút nguồn lao động.

Để làm được điều này, việc chuyển dịch sản xuất, đầu tư phát triển dệt may cần có sự can thiệp, đầu tư từ cấp vĩ mô: TP cần miễn tiền thuê đất và cho vay vốn lãi suất thấp đối với các công trình nhà lưu trú hoặc các công trình phúc lợi dành cho công nhân. Bên cạnh đó, TP cũng cần sớm có quy hoạch nơi sản xuất, chính sách ưu đãi đối với ngành này thì dệt may mới có bước đột phá để ổn định và tăng thị phần xuất khẩu.


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading