Doanh nghiệp bết bát, cổ phiếu vẫn đắt khách
PVX lỗ gần 75 tỷ đồng trong quý I, lợi nhuận của Sacomreal, ITA giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng đây là những mã được mua bán sôi động nhất 6 tháng qua.
Gần nửa năm qua, SHB giao dịch hơn 1 tỷ cổ phiếu. Ảnh: Hoàng Hà
PVX lỗ gần 75 tỷ đồng trong quý I, lợi nhuận của Sacomreal, ITA giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng đây là những mã được mua bán sôi động nhất 6 tháng qua.
Trong gần nửa năm qua (từ ngày 2/1đến ngày 12/6), tổng khối lượng giao dịch của SHB (Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội) lên tới 1,16 tỷ cổ phiếu, dẫn đầu về thanh khoản tại hai sàn chứng khoán HOSE và HNX. Trong phiên 3/1, mã này chuyển nhượng khủng tới hơn 30 triệu cổ phiếu. 6 tháng qua, giá SHB tăng 22%.
Quý I, kết quả kinh doanh của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội kém lạc quan khi lợi nhuận sau thuế giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 163 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần cũng giảm 24%, đạt 427,6 tỷ đồng.
Đứng thứ 2 về lượng chuyển nhượng trên thị trường là cổ phiếu PVX của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Đầu năm tới nay, PVX khớp lệnh hơn 710 triệu cổ phiếu. Đóng cửa phiên ngày 12/6, giá mã này tăng 3,6% so với cuối năm 2012, đạt 5.700 đồng một cổ phiếu.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Xây lắp Dầu khí Việt Nam khá khó khăn khi lỗ sau thuế gần 75 tỷ đồng trong quý I. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 31 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu này cũng trong diện bị kiểm soát do kinh doanh lỗ liên tiếp 2 năm.
Danh sách cổ phiếu đạt khối lượng giao dịch khủng còn có sự góp mặt của một số mã gồm SCR (Địa ốc Sacomreal), ITA (Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo), KLS (Chứng khoán Kim Long), VND (Chứng khoán VNDirect) và SHS (Chứng khoán SHS). Trong đó, SCR đứng thứ 3 về thanh khoản (sau SHB, PVX) khi khối lượng giao dịch đạt gần 560 triệu cổ phiếu.
Cũng giống Xây lắp Dầu khí Việt Nam, lãi quý I của Sacomreal giảm mạnh, chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng và bằng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng giảm lãi hơn 50% và chỉ thu về khoảng 2 tỷ đồng trong quý I. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu ITA mất 60%, xuống còn 4,5 đồng.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên môi giới tại một chi nhánh của Chứng khoán HSC cho rằng những cổ phiếu trên được cá nhân nhỏ lẻ mua bán và tạo ra nhiều vòng quay, khiến khối lượng giao dịch lớn. Trong khi đó, các blue-chip như VNM, MSN hầu hết được nhà đầu tư tổ chức mua để nắm giữ nên khối lượng lưu hành có phần thấp hơn.
Theo anh, các doanh nghiệp có cổ phiếu thanh khoản cao làm ăn yếu kém, nhiều nhà đầu tư vẫn nhảy vào mua với kỳ vọng năm sau sẽ tốt lên. Nhiều khi dân lướt sóng cũng không mấy để tâm đến chuyện kết quả kinh doanh mà chỉ chú trọng tạo sóng, đẩy giá sau đó chốt lời. Những mã này giá lại rẻ nên càng dễ mua bán.
Ngược lại, có nhiều mã kinh doanh không tệ nhưng chẳng ai muốn mua bán cổ phiếu đó. Cổ phiếu VE2 của Công ty cổ phần Xây dựng điện Vneco 2 không khớp được lệnh nào suốt gần 6 tháng qua. Đóng cửa phiên ngày 12/6, giá mã này đứng yên ở mức 9.600 đồng.
Đây cũng là mức giá cao nhất của VE2 trong khoảng 2 năm qua. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế quý I của Công ty Xây dựng điện Vneco 2 tuy chỉ gần 550 triệu đồng nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gấp 3 lần.
Sau VE2, cổ phiếu SSG của Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu cũng là mã có lượng giao dịch thấp nhất thị trường. Nửa năm mới chỉ có 700 cổ phiếu SSG được chuyển nhượng và tập trung vào các ngày gần đây. Trong đó, 300 cổ phiếu được sang tay vào hôm 12/6 với giá khoảng một triệu đồng. 400 cổ phiếu còn lại được khớp lệnh vào hôm 11/6, 7/6 và 3/6.
SSG hiện là mã thuộc diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế âm năm 2012. Trong đại hội cổ đông năm nay, Hội đồng quản trị công ty tiếp tục đạt mục tiêu lỗ khoảng 5 tỷ đồng. Quý I, Vận tải biển Hải Âu đã “hoàn thành” một nửa kế hoạch này với mức lỗ gần 2,5 tỷ đồng. Đóng cửa phiên 12/6, cổ phiếu SSG xuống 3.500 đồng, giảm 300 đồng so với giá cuối năm ngoái.
Nhỉnh hơn SSG về lượng giao dịch, trong 6 tháng qua, cổ phiếu MHL của Công ty cổ phần Minh Hữu Liên có 1.000 cổ phiếu được sang tay. Từ giữa tháng 5 đến nay, mã này không xuất hiện bất cứ một giao dịch nào.
Tương tự năm 2011, năm 2012, Minh Hữu Liên tiếp tục không chia cổ tức do không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Quý I, mức doanh thu công ty tăng thêm khoảng 30 tỷ, đạt trên 105 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm khoảng 200 triệu so với cùng kỳ, đạt trên 890 triệu đồng. Đóng cửa phiên ngày 12/6, giá cổ phiếu MHL tăng 2.000 đồng so với đầu năm, lên 11.200 đồng.
Giao dịch 1.100 cổ phiếu từ đầu năm tới nay, mã SQC của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn có lượng giao dịch thấp thứ 4 trên cả 2 sàn chứng khoán. Giá SQC ở mức cao so với các cổ phiếu khác và đạt 64.900 đồng, nhưng cũng giảm 15.000 đồng so với đầu năm.
Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn là công ty do em gái ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2012, công ty lãi gấp đôi so với năm 2011, đạt trên 181 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này giảm tới 99%, từ khoảng 40 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 100 triệu đồng.