Doanh nghiệp đồ uống trong nước bị khối FDI đè bẹp

Cập nhật: 2013-05-15 02:36:58

Các công ty nước ngoài sản xuất với chi phí 10 USD nhưng chỉ bán 8 USD, ngoài ra, doanh nghiệp đồ uống trong nước bị khống chế trần quảng cáo không vượt quá 10% tổng chi phí càng khiến ưu thế nghiêng về phía FDI. 

Các công ty nước ngoài sản xuất với chi phí 10 USD nhưng chỉ bán 8 USD, ngoài ra, doanh nghiệp đồ uống trong nước bị khống chế trần quảng cáo không vượt quá 10% tổng chi phí càng khiến ưu thế nghiêng về phía FDI. 

Nhận xét trên được ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đưa ra tại Hội thảo "Cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt" tổ chức mới đây.

Vị này lấy ví dụ thương hiệu nước giải khát Tribeco sau 20 năm phát triển đã rơi vào tay Tập đoàn Uni - President (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Đài Loan). "Là một trong những thương hiệu đầu tiên của ngành giải khát trong thời kỳ đổi mới, cuối cùng Tribeco trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các ông lớn", ông phát biểu.

Giống như ngành giải khát, ngành bia cũng phải đối mặt với mối nguy từ sự thâm nhập mạnh mẽ của đại gia nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ông Phạm Đăng Tuất, Chủ tịch Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho hay, việc hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser Busch InBev (AB InBev) vào Việt Nam năm sau sẽ là mối lo với doanh nghiệp trong nước bởi họ có tiềm lực tài chính rất mạnh mẽ và nhiều kinh nghiệm.

Trong khi đó, mới đây, bia Phú Yên và Huda Huế cũng lần lượt bị Masan và Carlsberg mua lại. Nói về xu hướng này, chủ tịch Sabeco nhận định đây là động thái "rất khôn" của doanh nghiệp nước ngoài và AB InBev thời gian tới có thể sẽ làm như vậy. Đây là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp ngoại thâm nhập vào thị trường Việt Nam khi rút ngắn thủ tục cấp phép, sau đó chỉ cần thay đổi công nghệ.

Doanh nghiệp đồ uống đau đầu với nạn chuyển giá và thâu tóm. Ảnh: Thị trường tài chính

 Doanh nghiệp đồ uống đau đầu với nạn chuyển giá và thâu tóm. Ảnh: Thị trường tài chính

Bên cạnh nỗi lo bị thâu tóm, các doanh nghiệp đồ uống trong nước còn đau đầu với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà chủ yếu do nạn chuyển giá.

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn - thành viên Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá (Tổng cục Thuế), doanh nghiệp nước ngoài sản xuất với chi phí 10 USD nhưng chỉ bán 8 USD, dẫn đến doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi. Bán thấp hơn giá thành cũng khiến doanh nghiệp nước ngoài có cớ khai báo thua lỗ để không phải nộp thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Vị này cho biết, theo số liệu thống kê năm 2009, có tới 56% doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam kê khai lỗ. Tuy vậy, quá trình xử lý doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá vẫn còn hạn chế vì "dấu hiệu chuyển giá rất dễ nhận thấy nhưng chứng minh là rất khó".

Ngay như trong báo cáo tổng kết 25 năm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến việc một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá như nâng giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào tạo nên tình trạng thất thu ngân sách, khiến đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Đều lấy ví dụ Coca Cola đã có 20 năm hoạt động ở Việt Nam nhưng liên tục báo lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư, đại diện các doanh nghiệp tỏ ra khá bức xúc. Ông Trần Quý Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng việc doanh nghiệp FDI khai lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư khiến cho sự phát triển của doanh nghiệp đồ uống trong nước suy giảm nghiêm trọng.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen, đại diện cho ngành bia phản ánh, một số nhà đầu tư nước ngoài có chiêu bài thỏa thuận với đại lý mua bán độc quyền sản phẩm, đẩy mạnh tiếp thị, khẩu hiệu khiến doanh nghiệp trong nước không thể trụ được và mất luôn thị trường. Chẳng hạn, một đại diện của Lotteria từng chia sẻ chuỗi cửa hàng này đã ký hợp đồng với Pepsico bán độc quyền ngay từ khi khai trương và nhận nhiều ưu đãi như cung cấp tủ đựng đồ, bàn ghế, ô, cốc hay được bảo trì, sửa chữa tủ lạnh miễn phí.

Từ đó, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị doanh nghiệp đã lỗ thì không được mở rộng thị phần và Nhà nước chỉ nên thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực Việt Nam không sản xuất được, còn không nhất thiết phải cho phép với mọi ngành.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết ngoài việc bị đối thủ "chơi xấu" thì chính việc khống chế chi phí quảng cáo không vượt quá 10% tổng chi phí hợp lý như hiện nay cũng đang "khóa tay" doanh nghiệp, khiến họ khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vì đối thủ được chi "tùy ý" cho hoạt động quảng bá sản phẩm.

Ông Phan Đăng Tuất nhấn mạnh, nếu khống chế chi phí quảng cáo như hiện nay, khoảng 10 năm nữa, các doanh nghiệp trong nước sẽ "thui chột", không bảo vệ nổi thương hiệu.

"Chi phí thực tế phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp chỉ được biết sau 31/3 năm sau khi có báo cáo kiểm toán, tức là trước đó hơn một năm doanh nghiệp không thể biết được chi bao nhiêu để chinh phục thượng đế", ông nói. Vị này cũng bày tỏ doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi khi mà doanh nghiệp nước ngoài được chi "vô biên" cho quảng cáo, chỉ cần có đủ chứng từ, trong khi doanh nghiệp trong nước bị khống chế trần 10%.

Do vậy, ông Tuất kiến nghị không nên áp trần chi phí quảng cáo cho tất cả các ngành, mà phải chia theo từng lĩnh vực để áp dụng bởi với ngành bia, rượu, nước giải khát, kể cả khi tăng tỷ lệ chi cho quảng cáo lên 15% cũng không đủ vì lĩnh vực này đòi hỏi chi phí quảng bá rất lớn.

Trước vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ có kiến nghị là "không khống chế phần trăm nào cả" đối với hoạt động quảng cáo, do đây là hoạt động không thể thiếu và rất quan trọng với doanh nghiệp.

Huyền Thư


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading