Doanh nghiệp Nhà nước dễ tìm vốn dù làm ăn kém

Cập nhật: 2013-05-14 02:03:13

Các công ty Nhà nước dễ dàng tiếp cận dòng tiền hơn hẳn loại hình doanh nghiệp khác, nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn lại ở mức thấp nhất. 

Các công ty Nhà nước dễ dàng tiếp cận dòng tiền hơn hẳn loại hình doanh nghiệp khác, nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn lại ở mức thấp nhất. 

Theo Niên giám Thống kê vừa được công bố, đến cuối năm 2011, cả nước có hơn 325.800 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 95%, tiếp theo là doanh nghiệp vốn nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.

Trong bối cảnh tổng số doanh nghiệp cả nước tăng thì bộ phận doanh nghiệp Nhà nước lại giảm, còn 3.269 doanh nghiệp tính đến cuối năm 2011. Điều này kéo theo số lao động khu vực này cũng giảm.

Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn được ưu tiên vốn. Ảnh: Hoàng Hà
Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn được ưu tiên vốn. Ảnh:Hoàng Hà

Bị giảm về quy mô nhưng vốn sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại tăng mạnh nhất so với hai loại hình còn lại. Cụ thể, năm 2011, vốn sản xuất kinh doanh bình quân của doanh nghiệp khu vực này tăng 38%, trong khi hai khu vực kia chỉ tăng lần lượt 27% và 29%. Hai năm trước đó, tốc độ tăng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp Nhà nước luôn là thấp nhất.

Lý giải cho vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, nguyên nhân là do doanh nghiệp Nhà nước dễ tiếp cận vốn hơn, thắng thầu nhiều hơn trong các công trình lớn. Còn doanh nghiệp ngoài Nhà nước khó tiếp cận vốn, tồn kho cao nên họ ít đầu tư hơn.

"Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn sản xuất kinh doanh nhiều hơn không chứng tỏ hoạt động của họ hiệu quả hơn mà là doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Điều này cũng được phản ánh qua con số thống kê. Năm 2011, trên 100 đồng vốn sản xuất kinh doanh bỏ ra, doanh nghiệp Nhà nước bình quân chỉ thu về được 59 đồng doanh thu thuần; trong khi doanh nghiệp vốn ngoài Nhà nước tạo ra tới 80 đồng và doanh nghiệp vốn nước ngoài lên tới 93 đồng. Trong 3 khu vực, tỷ lệ này của doanh nghiệp Nhà nước là thấp nhất trong suốt 4 năm (2008 - 2011).

Vốn sản xuất kinh doanh và doanh thu thuần của doanh nghiệp Nhà nước
Đơn vị: nghìn tỷ đồng

Vốn sản xuất kinh doanh và doanh thu thuần của doanh nghiệp Nhà nước. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

"Khu vực Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng lại đầu tư nhiều hơn và tiếp cận vốn dễ dàng hơn", ông Doanh nói.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, thu nhập của người lao động khu vực kinh tế Nhà nước tăng mạnh nhất năm 2011, với gần 70%, đạt khoảng 8,5 triệu đồng một người một tháng. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và có vốn nước ngoài lần lượt đạt 4 triệu đồng và 5,4 triệu đồng.

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2011, tổng lỗ của 13 tập đoàn, tổng công ty (đóng vai trò chủ đạo trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước) lên tới 48.988 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 78% số lỗ này. Sang năm 2012, tổng lỗ lũy kế của các ông lớn có giảm đi nhưng vẫn còn 17.730 tỷ đồng.

Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty cuối năm 2012 lên tới gần 1.335 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,82 lần vốn chủ sở hữu, có nơi rất cao.

Để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015, chủ đạo là các tập đoàn Nhà nước. Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đề nghị phải giám sát quá trình tái cấu trúc này.

Huyền Thư

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading