Doanh nghiệp thép chồng chất khó khăn
Ngành thép đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất từ trước đến nay khi thị trường bất động sản ảm đạm, bị kiện chống bán phá giá liên tiếp hoặc nguy cơ tăng giá điện từ 1/7 tới.
Ngành thép đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất từ trước đến nay khi thị trường bất động sản ảm đạm, bị kiện chống bán phá giá liên tiếp hoặc nguy cơ tăng giá điện từ 1/7 tới.
Theo tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), mới đây ngành thép lại phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ phía Mỹ. Lần này, sản phẩm bị điều tra là ống thép hàn không gỉ chịu lực, sau vụ kiện với ống thép hàn các bon và mắc áo thép.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để thuê tư vấn, chuẩn bị tài liệu, trả lời câu hỏi... mà phía Mỹ yêu cầu. Nếu bị áp thuế chống bán phá giá, khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ sẽ trở nên rất khó khăn, chi phí cao hơn đối tác sẽ hạn chế nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, một chuyên gia tư vấn trong các vụ kiện chống bán phá giá cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết hiện mặt hàng ống thép hàn không gỉ chịu lực chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục xuất khẩu thép Việt Nam và không có hội viên nào trong hiệp hội tham gia sản xuất. Song, ông cũng thừa nhận các vụ kiện chống bán phá giá sẽ khiến doanh nghiệp mất mát lớn, nguy cơ giảm lượng khách hàng khổng lồ và nguồn thu ngoại tệ.
"Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là sản phẩm thép", ông Nghi nói.
Trong nước, thị trường bất động sản ảm đạm thời gian dài cũng khiến ngành thép tồn kho hàng trăm nghìn tấn. Lãnh đạo của VSA chia sẻ: "Đây là thời kỳ có khăn nhất của ngành thép từ trước đến nay vì lượng cung tương đối lớn mà cầu lại thu hẹp".
Mới đây hai doanh nghiệp đang chiếm 80% thị phần inox tại Việt Nam là Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Lý do được đưa ra là giá inox của các nước này thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ.
Đề nghị của 2 doanh nghiệp này đã vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp trong ngành. Hơn 20 doanh nghiệp inox lên tiếng nếu áp thuế chống bán phá giá như kiến nghị của Posco VST và Hòa Bình Inox, ngành inox trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ "lũng đoạn thị trường".
"Nếu áp thuế chống bán phá giá thì giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng vọt lên, khi đó Posco VST và Hòa Bình có thể chi phối giá trên thị trường, doanh nghiệp trong nước phải đi theo giá của họ. Điều này sẽ khiến nhiều đơn vị không thể sống nổi", đại diện một doanh nghiệp thép tại miền Nam cho biết.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội Thép, vụ kiện này còn phải chờ ý kiến của Bộ Công Thương, nhưng "chắc chắn sẽ phải cân nhắc thời gian dài".
Ngoài yếu tố cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang "mất ăn mất ngủ" với dự thảo của Bộ Công thương khi từ ngày 1/7 tới, ngành thép có thể bị áp khung giá điện riêng và cao hơn các lĩnh vực sản xuất khác.
"Đây là quyết định không công bằng cho ngành thép và thời gian tới Hiệp hội sẽ có văn bản chính thức đề xuất lên Bộ", ông Nghi khẳng định. Theo ông, trong lúc khó khăn, cần phải giúp đỡ ngành thép sống sót, nhưng quy định mới này lại như khiến họ "chết hẳn".
Một đơn vị sản xuất thép khi biết thông tin cũng bày tỏ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đủ điều khi ngoài việc tăng thuế còn phải chịu giá điện cao. "Lẽ ra thời điểm này cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sao lại tăng giá điện khiến doanh nghiệp càng thêm bế tắc", lãnh đạo một doanh nghiệp thép phía Bắc phát biểu.
Do đó, lãnh đạo VSA cho rằng cần lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị, rút ngắn thời gian tiêu hao năng lượng để tránh đối mặt với việc phải chịu giá điện cao. "Chính sách thay đổi quá nhanh thì không những khiến đầu tư trong nước nản lòng mà bên ngoài cũng rút lui", vị này khuyến nghị.