Doanh nghiệp thép… nguy hiểm kép
Tiêu thụ cầm chừng, bị kiện chống bán phá giá. Khó khăn trong khâu đầu ra hơn một năm nay đã khiến không ít doanh nghiệp thép lâm vào tình cảnh "chết lâm sàng”.
Tiêu thụ cầm chừng, bị kiện chống bán phá giá. Khó khăn trong khâu đầu ra hơn một năm nay đã khiến không ít doanh nghiệp thép lâm vào tình cảnh "chết lâm sàng”.
Lại bị kiện bán phá giá
Trung tuần tháng 5, một số doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Trước đó 4 tháng, Hiệp hội Tôn mạ kim loại và Sơn phủ màu Thái Lan đưa ra cảnh báo lần thứ hai rằng, đang cân nhắc việc điều tra chống bán phá giá hoặc có biện pháp tự vệ chống lại các nhà sản xuất thép mạ phủ Việt Nam. Điều đáng nói là: Mỹ là thị trường truyền thống, Thái Lan là thị trường mới của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thép Việt Nam.
Đại diện Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu cho biết: Việc cạnh tranh về giá trong thị trường thép khá khốc liệt, nên chỉ cần bị đánh thuế thêm vài phần trăm thì DN khó có thể cạnh tranh và đặt chân ở thị trường Mỹ.
Các DN xuất khẩu thép cũng cho biết: Mỗi lần phải đối diện với điều tra chống bán phá giá DN mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thuê luật sư tư vấn, chuẩn bị tài liệu, gửi bảng câu hỏi...
Dậm chân tại chỗ
Trong nước, khó khăn của nền kinh tế trong nhiều tháng qua đã "ngấm” vào ngành thép nhanh và mạnh như một dịch bệnh lây lan vào "cơ thể” không khỏe. Mặc dù hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành này được đưa ra nhưng chưa đem lại kết quả. Thống kê từ VSA cho thấy, tháng 1-2013, lượng thép tiêu thụ được của các DN trong Hiệp hội khoảng 403.000 tấn; tháng 2 là 252.000 tấn; tháng 3 là 450.000 tấn và tháng 4 ước khoảng 400.000 tấn. Sự trồi sụt của sản lượng thép tiêu thụ trong các tháng đầu năm nay xoay quanh mức 400.000 tấn/tháng đã chứng tỏ ngành thép chưa có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch VSA cho hay: "Nếu so sánh với 3 tháng đầu năm ngoái thì lượng tiêu thụ thấp hơn khoảng 3%. Còn nếu so sánh 4 tháng vừa qua với cùng kỳ năm ngoái thì con số này là 6-7%”.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT một DN thép cho biết, mức tiêu thụ của DN này trong những tháng qua sụt giảm thêm gần 20% so với cùng kỳ năm 2012. Không những vậy, DN thép Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam với số lượng lớn. Giá thép trên thế giới cũng giảm khiến DN thép lâm vào thế "bức bí”. Nếu không giảm giá thì cạnh tranh sẽ rất khó. Ngược lại, nếu giảm giá thì DN thua lỗ, bởi đầu vào sản xuất vẫn tăng và giá bán hiện nay chỉ đủ hòa vốn.
Tiêu thụ sụt giảm, giá bán không tăng trong khi đầu vào tăng, lại bị kiện chống bán phá giá khiến hàng loạt DN ngành này phải ngừng hoặc tạm ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng. Trong đó, đa số các DN có uy tín và thương hiệu vẫn tồn tại và số bị giải thể là DN có quy mô nhỏ hoặc DN làng nghề.
Chưa dám hy vọng
Đó là tâm lý chung của các lãnh đạo DN thép và đại diện VSA khi nhận định về tình hình tiêu thụ thép trong ngắn hạn. Có tiêu thụ được hàng thì sản xuất mới thoát khỏi tình trạng đình đốn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, đầu ra cho ngành thép phụ thuộc vào ngành xây dựng, bất động sản (BĐS) nhưng hiện tại BĐS chưa chuyển biến được như mong muốn. Theo thống kê, hiện nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước chỉ khoảng 5 triệu tấn/năm nhưng nguồn cung từ các nhà máy lên đến 11 triệu tấn/năm. Khó khăn bộn bề ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nghành thép tiếp tục phải đối diện với lượng tồn kho lớn.
Đánh giá về chính sách giảm thuế thu nhập DN nhằm giảm gánh nặng cho DN, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là chính sách hay, nhưng DN thép lại khó hưởng ưu đãi này, vì hầu hết DN hiện đều làm ăn không có lãi. "Có chăng nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để khuyến khích người mua, khơi thông đầu ra! Nhưng đề xuất này còn chưa được phê duyệt”, ông Nghi chia sẻ.
Theo Daidoanket.