Đường đời thăng trầm của Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long
Khởi đầu lận đận, thành công trong nghề thuốc, danh tiếng đã vượt ngoài biên giới Việt Nam, được lên phim... nhưng những ngày gần đây, ông chủ Tập đoàn Bảo Long - Nguyễn Hữu Khai lại khiến dư luận xôn xao khi mắc vào vòng lao lý.
Ông Nguyễn Hữu Khai đã từng được biết tới như tấm gương về ý chí vượt khó. Ảnh: TĐBL
Khởi đầu lận đận, thành công trong nghề thuốc, danh tiếng đã vượt ngoài biên giới Việt Nam, được lên phim... nhưng những ngày gần đây, ông chủ Tập đoàn Bảo Long - Nguyễn Hữu Khai lại khiến dư luận xôn xao khi mắc vào vòng lao lý.
Lệnh bắt tạm giam được cơ quan công an thực hiện chiều 15/6 đối với ông Nguyễn Hữu Khai để điều tra nghi án lợi dụng uy tín cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Sự kiện này khiến không ít người bất ngờ bởi trước đó "thầy lang" Nguyễn Hữu Khai luôn được gắn với hình ảnh con người vượt khó, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Câu chuyện của ông thậm chí từng được viết thành sách, dựng thành phim...
Từ một thầy lang chuyên chữa bệnh bằng các bài thuốc Đông y đến một doanh nhân làm chủ hàng chục cơ sở sản xuất từ Nam ra Bắc, năm 2006, Nguyễn Hữu Khai từng được Đài truyền hình KenJa - Nhật Bản bình chọn là một trong 10 doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và 500 doanh nhân nổi tiếng Châu Á. Một năm sau, người đàn ông tiếp tục được vinh danh là "Ngôi sao Việt Nam", được Viện Hàn lâm khoa học Xêchênốp - Liên bang Nga phong tặng học vị tiến sĩ danh dự.
Cũng từ lâu, hình ảnh ông Nguyễn Hữu Khai và Bảo Long gắn với những chuyến làm từ thiện, chữa bệnh cho người nghèo, nhận được Huân chương Lao động hạng Ba và các bằng khen của Chính phủ. Tuy vậy, bên cạnh những hình ảnh đẹp nêu trên, không nhiều người biết rằng vị doanh nhân ngành dược từng có một quá khứ thăng trầm, với những năm tháng ở tù vì vượt biên trái phép, phải bỏ xứ vì nợ nần, mãi võ kiếm tiền mưu sinh...
Sinh năm 1952, ông Nguyễn Hữu Khai lớn lên trong một gia đình đông anh em tại xứ Đoài (nay là xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Học dở lớp 10, ông xung phong lên đường nhập ngũ nhưng phải ra quân sớm do gặp vết thương ở đầu trong trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị. Về quê, theo mong muốn của gia đình, ông theo học bổ túc và thi đỗ vào Đại học Kiến trúc TP HCM.
Con đường lập nghiệp của ông lại rẽ sang hướng khác khi em gái mắc bệnh dẫn đến mù lòa. Không tiếp tục con đường thành một kiến trúc sư, ông bỏ học, trốn sang Trung Quốc học nghề y. Tại đây, ông được truyền nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y và cũng học được các môn võ cổ truyền. Học được nghề từ các thầy thuốc Trung Quốc, ông Khai trở về Việt Nam vào năm 1979, lúc chiến tranh biên giới đang xảy ra. Với tội vượt biên trái phép, ông bị phạt tù 3 năm.
Mãn hạn năm 1982, ông Nguyễn Hữu Khai được tha về trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Từ đây, ông bắt đầu công việc chữa bệnh tại quê nhà, nhưng thời gian yên bình này cũng không kéo dài lâu khi sau đó, ông bị vu là "lang băm", gia đình nợ nần chồng chất. Thấy không thể trụ được ở quê, năm 1984, ông bỏ xứ, đưa vợ con vào Nam lập nghiệp.
Tại đây, ông quen biết một nhóm thầy thuốc đông y, cùng họ lập ra một xưởng tự bào chế thuốc. Tận dụng những ngón võ đã được học, những năm 87 - 88, Nguyễn Hữu Khai cùng những người bạn, đồ đệ của mình chọn những khu phố đông đúc của người Hoa để bán thuốc dưới hình thức "Sơn Đông mãi võ".
Sau nhiều nỗ lực, năm 1989, ông hợp thành lập xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Trong những năm đầu gây dựng, thầy trò Bảo Long cũng phải chuyển địa điểm tới 17 lần, nhiều lần trắng tay rồi lại vực lên làm lại từ đầu.
Những năm cuối thập kỉ 90, Bảo Long trở nên ổn định hơn và phát triển thêm nhiều cơ sở. Đến năm 2005, Tập đoàn Y dược Bảo Long chính thức thành lập. Ngoài thị trường trong nước, ông Nguyễn Hữu Khai còn thành lập chi nhánh tại Nga, Đức… và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tại Trung Quốc, Bảo Long cũng được cấp phép lưu hành sản phẩm mang tên: "Thanh Long" đặc trị bệnh tiểu đường. Bên cạnh việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn tiếp tục nghiệp dạy võ thuật, sáng lập ra môn pháp "Bảo Long y võ", thành lập bệnh viện đa khoa...
Ông Nguyễn Hữu Khai (giữa) được di lý đến sân bay Nội Bài vào trưa 16/6. Ảnh: CAND |
Nhưng một lần nữa, đường đời của vị danh y này lại bước sang một trang mới khi dấn thân vào các vụ hợp tác, đầu tư tài chính. Với danh nghĩa Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, ông Nguyễn Hữu Khai được cho là đã huy động vốn dưới hình thức "cổ đông góp vốn" để thu tiền của nhiều cá nhân, tự quản lý ngoài sổ sách kế toán.
Đưa tin về vụ việc này Petrotimes từng cho biết, tính đến đầu năm 2012, ông Khai đã huy động vốn của 265 người với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng mà không có khả năng chi trả. Trong số này, có 10 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.
Bên cạnh đó, năm 2011, Bảo Sơn có chuyển cho Tập đoàn Bảo Long 227,5 tỷ đồng cho để mua toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông cùng toàn bộ đất đai, tài sản, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Hữu Khai, đại diện Tập đoàn Bảo Long đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên.
Theo biên bản thanh tra thuế của Cục thuế Hà Nội ngày 2/12/2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long có vốn điều lệ 150 tỷ đồng với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là kinh doanh thuốc, sản xuất rượu các loại, sản xuất sản phẩm chức năng, khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền, trồng cây dược liệu.
Trong kỳ thanh tra từ 2008 đến tháng 11/2011, cơ quan thuế kết luận Y dược Bảo Long đã kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng với số tiền thuế bị truy thu gần 1,47 tỷ đồng. Từ đó, Cục thuế xác định mức phạt tiền cho đơn vị này là hơn 462,6 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh đã được thanh tra, giai đoạn từ tháng một đến tháng 11/2011, thời kỳ xảy ra tranh chấp, Bảo Long lỗ 278,5 triệu đồng, sau khi lãi tổng cộng 870 triệu đồng liên tiếp trong 3 năm trước đó.
Đại diện của tập đoàn Bảo Long cũng cho hay, hiện số lao động của đơn vị này chỉ còn 200 người, giảm 5 lần so với trước khi xảy ra vụ việc với Bảo Sơn (1.000 người).
Theo lệnh bắt của Công an Hà Nội, việc ông Nguyễn Hữu Khai chiếm giữ những tài sản này đã gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài. Từ đây, chưa biết số phận vị thầy thuốc - doanh nhân 61 tuổi cũng như thương hiệu Bảo Long ông dày công xây dựng sẽ đi đến đâu.
Trong cuộc sống riêng tư, ông Khai cũng được biết đến như người đàn ông "đào hoa" khi trải qua tới 4 đời vợ. Cuộc hôn nhân đầu tiên với người vợ ở quê không kéo dài lâu sau khi ông chuyển vào Nam do bà không thể chia sẻ cuộc sống lang bạt. Đến cuộc hôn nhân thứ hai, ông cưới vợ là người Hoa, con một chủ hiệu thuốc. Bà đã giúp ông nhiều trong công việc kinh doanh nhưng không may mất sớm, khiến ông phải sống cảnh gà trống nuôi con. Đến lần kết hôn thứ ba, ông lấy một người học trò cũ, nhưng cũng không gắn bó được với nhau. Người vợ hiện tại của ông là bà Lê Thúy Hằng, là một nhân viên của Bảo Long, kém ông tới 20 tuổi.