Hậu quả lớn từ những sơ suất nhỏ
Điển hình là chỉ một va chạm của ngọn cây vào đường dây 500 kV mà cả miền Nam rơi vào cảnh giao thông tê liệt, sinh hoạt đảo lộn, sản xuất - kinh doanh đình trệ.
Một xe cần cẩu trồng cây chạm vào đường dây 500 kV đã gây mất điện toàn miền Nam và một số khu vực Campuchia. Sự cố hy hữu này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp và mối lo ngại về việc bảo đảm an toàn đường dây 500 kV Bắc– Nam.
Lưới điện cao áp luôn bị đe dọa
“Đang đêm ngủ mà có tiếng chuông điện thoại bất thường là toát mồ hôi, chỉ lo có sự cố ở đâu” - đó là tâm sự chung của những người quản lý vận hành lưới điện cao áp. Bởi vì, hầu hết các sự cố đều bất ngờ và hậu quả đều rất nặng nề.
Điển hình là chỉ một va chạm của ngọn cây vào đường dây 500 kV mà cả miền Nam rơi vào cảnh giao thông tê liệt, sinh hoạt đảo lộn, sản xuất - kinh doanh đình trệ. Sự cố xảy ra trong chớp mắt nhưng ngành điện đã phải mất nửa ngày để khắc phục. Thiệt hại kinh tế có thể thống kê nhưng hậu quả xã hội thì không thể tính đếm.
Theo ông Vũ Ngọc Minh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, sự cố gây mất điện trên diện rộng như thế này là lần đầu nhưng những sự cố quy mô nhỏ hơn trên lưới điện cao áp đã từng xảy ra không ít. Mới đây, ngày 20/1/2013, xe máy xúc đi dưới đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh đã vi phạm khoảng cách an toàn tại khoảng cột 681 - 682 bị phóng điện gây sự cố, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Trong năm 2012, riêng lưới truyền tải 220 kV khu vực miền Bắc đã có 4 vụ sự cố gây đứt cáp ngầm hoặc gây phóng điện tại 1 số đường dây 220kV, thiệt hại để khôi phục nhiều chục tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại do ngừng cung cấp điện.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên xảy ra 31 lần sự cố, chủ yếu do cháy rừng phòng hộ, cháy nương rẫy… Khu vực miền Nam cũng có 22 sự cố, 36,4% trong số đó là do vi phạm hành lang an toàn (HLAT).
Đi tìm nguyên nhân
Tất cả những vụ việc xảy ra nêu trên cho thấy, ý thức tự giác và sự hiểu biết về những quy định liên quan đến HLAT lưới điện của người dân còn kém. Điển hình nhất là việc thả diều, một thú vui của “dân chơi diều” nhưng cũng là nỗi ám ảnh của“dân truyền tải”.
Khó là ở chỗ ngành điện không thể cấm đoán vì người dân chơi diều ngoài HLAT nhưng khi diều bị đứt dây cuốn vào lưới điện cao áp đang vận hành thì hậu quả khôn lường. Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra như bỏng nặng hoặc tử vong cho người chơi diều, kèm theo đó là sự cố phóng điện trên lưới gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Bên cạnh đó, những công trình xây dựng trong HLAT lưới điện vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Mặc dù ngành điện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo vệ hành lang nhưng không xuể vì chế tài xử lý còn bất cập. Nhiều địa phương chưa nhiệt tình vào cuộc vì coi đây là trách nhiệm của ngành điện.
Trong khi đó, với vai trò doanh nghiệp, ngành điện chỉ có thể tuyên truyền, thuyết phục, nếu dân cố tình vi phạm thì phải nhờ đến pháp luật, chính quyền. Việc xử lý cũng trên quan điểm “giáo dục là chính chứ bắt đền bù là bất khả kháng - vì thiệt hại thường rất lớn”.
Hiện cả nước có tới 4.848 km đường dây 500kV, 11.313 km đường dây 220kV, hàng chục nghìn km đường dây 110 kV, trung thế và hạ thế. Vì vậy, lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương và người dân. |
Theo Ngọc Loan
Báo công thương