Khó khăn đầu ra, LNST Q1/2013 của 600 doanh nghiệp vẫn tăng 15% so với cùng kỳ 2012
Chi phí lãi vay giảm 18%, diễn biến tích cực của các chi phí đã góp phần khiến lợi nhuận biên của doanh nghiệp cải thiện đáng kể trong quý 1/2013.
Doanh thu giảm so với cùng kỳ
Thống kê doanh thu của 600 doanh nghiệp phi tài chính (chiếm 98% vốn hóa của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên hai sàn, không bao gồm doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) cho thấy tổng doanh thu của nhóm này trong quý 1/2013 giảm nhẹ 1,2% so với Q1/2012, và giảm 17,6% so với quý 4/2012.
Trong khi đó, lượng tồn kho của các doanh nghiệp này tăng 11% so với cùng kỳ 2012 và tăng 5% so với quý 4/2012 cho thấy hàng tồn kho và duy trì tăng trưởng doanh thu đang là vấn đề khó khăn nhất các doanh nghiệp.
Hiện đa phần các doanh nghiệp niêm yết đều có đầu ra tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước, nên khi sức mua giảm sút đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.
Cầu yếu, thiếu các phương án kinh doanh mới khiến ngay cả các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả cũng khó triển khai mở rộng được thị trường.
Bối cảnh này có thể buộc các doanh nghiệp lớn phải tính đến chuyên thôn tính, M&A với các doanh nghiệp nhỏ hơn để dần chiếm lĩnh thị trường nhằm duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Chi phí lãi vay giảm 18% so với Quý 1/2012, lợi nhuận tăng gần 15%
Được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá của các nguyên vật liệu đầu vào khiến giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp giảm so với các quý trước.
Quý I/2013, giá vốn hàng bán chỉ chiếm 82% trên tổng doanh thu, giảm so với mức 83% của quý IV/2012.
Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, giữ tỷ giá ổn định nên chi phí tài chính của các doanh nghiệp đã giảm mạnh, chỉ còn chiếm 3,2% trên tổng doanh thu, thấp hơn nhiều so với mức 5% của năm 2011 và 3,7% của năm 2012.
Không chỉ giá vốn và chi phí tài chính có diễn biến tích cực, nhiều loại chi phí khác của doanh nghiệp cũng đã giảm mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng giảm 19%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32% và chi phí khác giảm 29%. Diễn biến tích cực của các chi phí đã góp phần khiến lợi nhuận biên của doanh nghiệp cải thiện đáng kể.
Không chỉ dừng ở việc quản lý chi phí, nhiều doanh nghiệp trên sàn tăng cường cơ cấu lại nguồn vốn bằng việc bán tài sản, giảm đầu tư tài chính. Trong hai quý gần đây, tỷ trọng đóng góp của lợi nhuận khác vào lợi nhuận trước thuế luôn ở mức trên 10%,cao hơn nhiều so với 3% của quý I/2012. Thực tế này diễn ra ở nhiều doanh nghiệp như VIP, HPG và GMD đều đã ghi nhận lợi nhuận bằng việc bán tài sản, thoái vốn tại các khoản đầu tư tài chính.
Trong kế hoạch năm 2013, nhiều doanh nghiệp đã đề cập đến việc tìm đối tác để bán tài sản, bán dự án. Điển hình, Đại hội cổ đông của LCG, HDG cũng đã thông qua chủ trường bán một số dự án trong năm nay để cơ cấu lại nguồn vốn, giảm áp lực vay mượn. Động thái này khiến lợi nhuận của một số doanh nghiệp đã tăng trong quý I, và sẽ còn tiếp diễn trong những quý còn lại của năm 2013.
Đặc biệt, trong bối cảnh áp lực phải cơ cấu lại doanh nghiệp cùng điều kiện thanh khoản của nhiều phân khúc thị trường tài sản sẽ tăng trong năm nay.
Kể từ đầu năm đã có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, trong kỳ họp Quốc hội lần này thuế TNDN cũng được xem xét điều chỉnh giảm, góp phần tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Kết hợp cùng nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, việc các doanh nghiệp niêm yết đang chủ động cơ cấu lại nguồn vốn, cơ cấu lại thị trường và sản phẩm sẽ góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Việc xác định tập trung hơn vào hoạt động cốt lõi, bán bớt các dự án, các tài sản chưa sử dụng sẽ giúp doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn, có cơ cấu vốn lành mạnh trong dài hạn. Đây là cơ sở để hy vọng thị trường chứng khoán có những bước chuyển bền vững trong thời gian tới.
P.T.D Theo Trí Thức Trẻ