Kinh doanh ngân hàng có lãi lớn không?

Cập nhật: 2013-06-18 01:54:27

Cái nhìn ảo vọng về kinh doanh ngân hàng sẽ lãi rất lớn có lẽ bắt nguồn từ sự lầm tưởng giữa doanh thu tín dụng với lãi thu được trong kinh doanh.

Cái nhìn ảo vọng về kinh doanh ngân hàng sẽ lãi rất lớn có lẽ bắt nguồn từ sự lầm tưởng giữa doanh thu tín dụng với lãi thu được trong kinh doanh.

Trên 300 ngàn tỷ đồng trả lãi cho nền kinh tế

Đã có khá nhiều câu hỏi xoáy về hướng nền kinh tế trả lãi cho hệ thống ngân hàng bao nhiêu? Điều tưởng như rất xưa về mặt thuật ngữ chuyên môn để ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho vay hay còn gọi doanh thu lãi từ tín dụng. Nó cũng tương tự ghi nhận doanh thu bán hàng của doanh nghiệp là vậy, nhằm ghi nhận đánh giá kết quả kinh doanh để tính toán lỗ lãi, nộp thuế cho Nhà nước.

Có lẽ cái điểm riêng biệt của hệ thống ngân hàng thương mại là ở vai trò trung gian. Để có nguồn vốn cho vay họ cũng nai lưng đi tìm mua vốn nhàn rỗi của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, của người dân có đồng tiền tiết kiệm theo giá (hay còn gọi lãi suất tiền gửi) thị trường.

Điển hình như việc huy động được 19,5 nghìn tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ngân hàng thương mại phải trả lãi một năm cho đơn vị này 1.528 tỷ đồng. Ở nước ta, các tập đoàn bảo hiểm cũng đầu tư chủ yếu bằng việc gửi vào ngân hàng, lãi tiền gửi ngân hàng mà các cơ quan này thu trong năm 2012 lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nhưng có lẽ phần trả lãi cho người gửi tiền lớn nhất vẫn là người dân và doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi trên 280 nghìn tỷ đồng.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính của hệ thống ngân hàng của Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng cho hay, tổng mức lãi tiền gửi mà ngân hàng trả cho nền kinh tế một năm (vốn huy động trên thị trường 1) trên 300 nghìn tỷ đồng.

Có còn lãi khủng?

Nếu như doanh thu từ tín dụng của ngân hàng thương mại là 400 nghìn tỷ đồng như một số chuyên gia đưa ra, có vẻ như lãi khủng của hệ thống ngân hàng lên tới 100 ngàn tỷ đồng.

Thực tế thì không như vậy. Chi phí vốn đầu vào còn phát sinh rất nhiều như chi phí vốn huy động chưa được sử dụng, vốn dự trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quỹ bảo đảm thanh toán gửi tại NHNN, chi phí thuê trụ sở, cho tiền lương, cho khấu hao…

Nhưng lớn nhất phải là chi phí dự phòng rủi ro cho khoản cho vay theo thông lệ, tài liệu họp báo của NHNN cho hay tổng mức trích dự phòng tăng liên tục trung tuần tháng 11/2012 lên con số 68 nghìn tỷ đồng, sau khi giảm do xử lý nợ xấu bằng nguồìn dự phòng thì sang quý I/2013 nguồn trích lập dự phòng tiếp tục gia tăng 4,3 nghìn tỷ đồng đến ngưỡng 68,5 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 3/2013.

Nhìn kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng cuối năm 2012 thấy sự suy giảm thê thảm về lợi nhuận, ở 102 đơn vị có lãi thì lợi nhuận sút giảm hơn 30% so năm 2011, toàn hệ thống ngân hàng có 22 đơn vị thua lỗ, mức lỗ gia tăng gấp gần 7 lần so với năm 2011.

Cái nhìn ảo, trả giá đắt

Nền kinh tế nước ta đã trải qua ít nhất 3 chu kỳ kinh doanh tăng trưởng đi lên 1986 -1990, sau đó đi xuống và vỡ nợ một loạt ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn và quỹ tín dụng.

Tiếp đến chu kỳ thứ 2 từ 1992 đến 1998 là giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục, bình quân mức tăng GDP 8,2%/năm và lạm phát khá thấp. Sau đó lại rơi vào khó khăn mà đỉnh điểm là vụ án Epco-Minh Phụng, hệ thống ngân hàng thương mại lại một lần đối mặt nợ xấu, phải tái cơ cấu lại.

Từ 2001-2007, giai đoạn đi lên kinh tế mức tăng trưởng khá GDP trên 7%/năm, lạm phát mức một con số. Còn từ 2008 đến nay luôn trồi sụt thất thường. Cái nhìn ảo vọng về kinh doanh ngân hàng sẽ lãi rất lớn có lẽ bắt nguồn từ sự lầm tưởng giữa doanh thu tín dụng với lãi thu được trong kinh doanh.

Chả thế, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, ông chủ đổ xô đi làm ngân hàng… Cái giá phải trả hôm nay là nhiều tập đoàn kinh tế kinh doanh thua lỗ lớn phải thoái vốn, nhiều ông chủ nắm giữ cổ phiếu chi phối đang nhanh chân chạy khỏi ngân hàng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản... Tình trạng này cũng góp phần trả lời câu hỏi kinh doanh ngân hàng có lãi khủng không?

Ngân hàng không dễ đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2013

Hầu hết các ngân hàng đều thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2013 ở mức khiêm tốn so với những năm trước. Điều này có nghĩa, nếu đạt được mức đăng ký thì phần chia dành cho cổ đông cũng không thể cao, nếu không muốn nói là thấp, bởi chắc chắn năm nay, tất cả các ngân hàng sẽ phải tăng phần lợi nhuận để lại dự phòng cho năm sau. Từ năm 2012, ngoại trừ các ngân hàng bị lỗ, đã lác đác có ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông dù có lãi. Năm nay, khả năng sẽ có thêm những trường hợp tương tự. Một số ngân hàng chỉ đặt mục tiêu cổ tức 5 - 9% năm nay.

Vấn đề khá nổi cộm hiện nay là khách hàng tốt rất ít, nhưng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng lại gia tăng và chắc chắn miếng bánh này sẽ còn chia nhỏ trong thời gian tới. Một điểm khác cũng đáng lưu ý là, nếu như vào đầu năm, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn kỳ vọng cuối năm 2013 thị trường sẽ sáng hơn thì đến thời điểm này, hầu hết dự báo, triển vọng tích cực đó được dịch sang năm 2014. Điểm an ủi là nhận định về rủi ro năm nay vào thời điểm này đã bớt trầm trọng hơn đầu năm. Điều này cho phép các ngân hàng kỳ vọng vào năm 2013 đã đi vào ổn định và những khó khăn đã ở phía sau.



Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading