Lãi suất USD có thể giảm mạnh, VND ổn định đến cuối năm
Một số ngân hàng đề nghị giảm lãi suất huy động tiền đồng về 5-6%, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu có điều chỉnh sẽ giảm mạnh lãi suất huy động đôla Mỹ.
Thống đốc khẳng định sẽ giữ ổn định lãi suất tiền gửi VND. Ảnh: Anh Quân.
Một số ngân hàng đề nghị giảm lãi suất huy động tiền đồng về 5-6%, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nếu có điều chỉnh sẽ giảm mạnh lãi suất huy động đôla Mỹ.
Trước ý kiến hạ trần lãi suất huy động về 5%-6% để giảm chi phí cho ngân hàng tại hội nghị toàn ngành ngày 17/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nếu làm vậy có thể lại gây rủi ro về cơ chế. Theo ông, tâm lý tin tưởng vào đồng Việt Nam của người dân đã cải thiện nhưng chưa ổn định. Do đó Thống đốc cho rằng cần tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất hợp lý giữa USD và VND. "Trần lãi suất VND hiện nay có thể giữ ổn định cho tới cuối năm, nếu giảm sẽ không đáng kể. Ngoài ra, có thể sẽ giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ nhưng thời điểm nào giảm cần phải tính toán cụ thể", ông Bình nhấn mạnh.
Trần lãi suất huy động hiện nay vẫn là 7,5% một năm nhưng nhiều ngân hàng đã huy động dưới mức này. Thống đốc khẳng định đưa ra lãi suất như thế nào là quyền chủ động của mỗi ngân hàng, dựa theo khả năng huy động và cho vay miễn là tuân thủ trần quy định. Theo ông, do nguy cơ lạm phát có thể dâng trở lại bất cứ lúc nào nên việc điều chỉnh lãi suất cần phải "nghe ngóng thêm".
"Hệ thống vẫn chưa đồng đều nên nếu hạ trần lãi suất xuống 6,5%-7%, một số ngân hàng sẽ gặp khó. Duy trì như hiện nay giúp hình thành đường cong lãi suất, cho thấy rõ ngân hàng nào có tiềm lực được tiếp cận vốn giá rẻ hơn thị trường. Vì vậy vẫn cần duy trì trần lãi suất trong ngắn hạn", người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích.
Kể từ đầu năm 2012, trần lãi suất tiết kiệm đã qua 6 lần điều chỉnh, từ 14% nay còn 7,5% một năm. Đầu tháng 5, việc nhiều ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động xuống 6% - 6,5% khiến không ít người gửi tiền thêm lo lắng và xót xa lãi suất có thể giảm thêm.
Lý do khiến nhiều ngân hàng muốn giảm thêm lãi suất huy động bởi lo ngại những gánh nặng ngày càng lớn khi chi phí huy động vẫn cao và phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều. Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, lợi nhuận biên hiện nay đang ở mức "thấp chưa từng có", nếu trừ đi trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,5%-1,8%. "Nhưng mức này chúng ta vẫn phải chấp nhận được. Chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất xuống 6%. Lãi suất càng cao, nợ xấu càng cao, trích lập dự phòng bao nhiêu thì gánh nặng lại đè lên lớn bấy nhiêu", ông Hùng cho biết.
Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói thêm: "Nhiều ngân hàng để trần lãi suất huy động 7% nhưng để có được chênh lệch 2% cũng rất khó khăn lúc này".
Ngoài vấn đề lãi suất, các nhà băng cũng phản ánh với Thống đốc về tiến trình xử lý tài sản đảm bảo. Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ: "Quyền năng của người cho vay đang rất thấp. Thế chấp tài sản đảm bảo cho ngân hàng rồi nhưng khi cần xử lý thì ngân hàng không làm được. Ví dụ để phát mãi một căn nhà lại phải lo chuyện ăn ở cho người đang sống tại đó".
Không chỉ đề nghị nới "room" cho nhà đầu tư ngoại, đại diện Vietinbank còn kiến nghị giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh xuống dưới 65% hoặc thậm chí dưới 55% để tạo dư địa cho các cổ đông khác tham gia. "Chỉ giảm xuống 55% nhưng không làm giảm số lượng ủy viên hội đồng quản trị, không ảnh hưởng tới quyền biểu quyết các vấn đề lớn", lãnh đạo Vietinbank cho biết. Hiện ngân hàng này đã sử dụng hết "trần" 30% được cho phép cho đối tác ngoại tham gia.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận đây là thời điểm thích hợp để đề xuất với Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông, nới bao nhiêu % và vào thời điểm nào cũng cần phải cân nhắc. "Sẽ nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, thực tiễn về vốn để sớm có đề xuất về tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với các ngân hàng", ông Bình hứa.