Mở tín dụng, siết kinh doanh vàng

Cập nhật: 2013-06-18 01:57:58

Theo Thống đốc, NHNN không quy định trần lãi suất cho vay để tránh tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng.

Theo Thống đốc, NHNN không quy định trần lãi suất cho vay để tránh tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng.

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, mặc dù không phải đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn bằng văn bản. Cuối tuần trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã gửi văn bản trả lời, trong đó giải đáp nhiều băn khoăn của đại biểu về giải pháp tăng trưởng tín dụng, quản lý thị trường vàng...

Bất lợi áp trần lãi suất cho vay

Trước băn khoăn của ĐBQH về vấn đề lãi suất, tăng trưởng tín dụng và tiếp cận vốn ngân hàng (NH) của doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết từ tháng 3-2012 đến nay, NHNN đã 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm còn 8-13%/năm so với cuối năm 2011. Lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh, đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 8-10%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-12%/năm, trong đó đối với khách hàng tốt chỉ từ 7-8%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007.

Lãi suất của các khoản vay cũ cũng đã giảm mạnh, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm giảm mạnh từ mức khoảng 65% vào thời điểm trước ngày 15-7-2012 xuống còn 20,6% vào cuối năm 2012 và đến nửa cuối tháng 5-2013 chỉ còn khoảng 12,2%.

Trước tình hình đó, NHNN đã cân nhắc lựa chọn giữa việc chỉ quy định trần lãi suất huy động hoặc chỉ quy định trần lãi suất cho vay, hoặc lập cả 2 trần. Qua thực tiễn điều hành, NHNN thấy áp dụng trần lãi suất huy động là biện pháp ít hành chính nhất, giúp NHNN điều hành thị trường tốt hơn.

Trả lời câu hỏi vì sao không áp trần lãi suất cho vay mà áp trần lãi suất huy động, Thống đốc cho biết cuối năm 2010, nhiều TCTD đua nhau tăng lãi suất huy động, gây xáo trộn thị trường và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao.

Bên cạnh đó, NHNN không quy định trần lãi suất cho vay để tránh tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng. Theo Thống đốc, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức lãi suất thấp; các lĩnh vực không khuyến khích, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ, lãi suất cho vay cần cao hơn.

Trong thời gian tới, căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN sẽ tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN đã và đang chỉ đạo các TCTD thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng NH, như: chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt; xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định pháp luật và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của TCTD. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Huy động vàng trong dân - rủi ro cao

Trước câu hỏi vì sao đến nay NHNN vẫn chưa huy động được nguồn lực vàng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình: Từ năm 2000, thực hiện chủ trương khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, NHNN đã cho phép các TCTD được huy động, cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VNĐ.

Chính sách này đã phát huy tác dụng trong giai đoạn giá vàng thế giới và trong nước ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay khi thị trường vàng thế giới và trong nước biến động tăng mạnh, việc cho phép huy động, cho vay vàng và chuyển đổi vàng thành tiền gián tiếp dẫn tới tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, làm gia tăng tình trạng đầu cơ vàng, gây rủi ro lớn cho chính TCTD và người vay vàng. Khắc phục bất cập này, chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”, trong năm 2011 và 2012, NHNN đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng, xây dựng lộ trình và xử lý các vấn đề phát sinh.

Thời gian qua, NHNN đã xem xét tính toán cụ thể khả năng NHNN tổ chức huy động vàng của dân cư sau khi các TCTD chấm dứt việc huy động vàng.

Nhưng theo Thống đốc, các tính toán cho thấy việc NHNN đứng ra huy động vàng từ dân cư có một số điểm bất lợi: Chi phí phải bỏ ra để huy động vàng là khá lớn, số vàng huy động được nếu đi đầu tư ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay dự kiến sẽ phải chịu lỗ do mất phí chuyển đổi thành vàng tiêu chuẩn quốc tế và tỷ suất sinh lời rất thấp, ngoài ra NHNN còn phải chịu rủi ro về thanh khoản vàng như các TCTD khi người dân đến rút vàng.

“Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế cũng không có NH Trung ương nào đứng ra huy động vàng từ dân cư trong giai đoạn hiện nay do những rủi ro về giá vàng và vấn đề thanh khoản vàng” - Thống đốc cho biết.


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading