Mục tiêu giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước khó thuận
Tổng thu cân đối NSNN đạt 743.190 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, số tăng thu NSNN chủ yếu nhờ vào thu từ dầu thô và thu viện trợ không hoàn lại.
Tổng thu cân đối NSNN đạt 743.190 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, số tăng thu NSNN chủ yếu nhờ vào thu từ dầu thô và thu viện trợ không hoàn lại.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi gian lận về thuế, góp phần tăng thu cho NSNN. Cân nhắc thận trọng việc điều chỉnh chính sách thu NSNN, tránh dẫn đến giảm thu quá lớn. Đồng thời, đánh giá lại về cơ cấu thu NSNN, tính hợp lý của chính sách thu hiện hành.
Chưa kịp mừng đã vội lo
Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012, triển khai dự toán NSNN năm 2013 của Chính phủ cho thấy, tổng thu cân đối NSNN đạt 743.190 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, số tăng thu NSNN chủ yếu nhờ vào thu từ dầu thô và thu viện trợ không hoàn lại.
Thẩm tra sơ bộ Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2012, triển khai dự toán NSNN năm 2013, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) cho rằng, nếu không có số thu thêm từ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các năm trước thì NSNN năm 2012 sẽ hụt thu, mất cân đối, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi.
Các nguồn thu chủ yếu suy giảm gây khó khăn cho cân đối NSNN. (Ảnh minh họa) |
Thu từ dầu thô vượt dự toán cao nhờ vào cả hai yếu tố giá và sản lượng đều tăng; đồng thời, phát sinh thu NSNN 9.800 tỷ đồng từ khoản thu lãi nước chủ nhà năm 2012 và 10.000 tỷ đồng lãi dầu khí được chia cho nước chủ nhà từ năm 2006-2011 theo Nghị quyết của UBTVQH. Vì vậy, thu từ dầu thô tăng 53.107 tỷ đồng so với dự toán và tăng 28.107 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.
Hai khoản thu lớn không đạt dự toán là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Thu nội địa không những giảm lớn so với dự toán (27.170 tỷ đồng) mà còn giảm 9.570 tỷ đồng so với số ước thực hiện của Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư; nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu nội địa chỉ đạt 92,3% dự toán.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 83,1% dự toán, giảm 18.172 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Nếu xử lý số hoàn thuế GTGT đúng với số đã thực hiện trong năm thì số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực tế còn giảm tới 45.072 tỷ đồng. Hai khoản thu này giảm lớn đã phản ánh thực trạng nền kinh tế của nước ta đang suy giảm, tính thiếu bền vững của thu NSNN ngày càng rõ nét.
Báo cáo bổ sung của Chính phủ cũng cho thấy, tổng chi NSNN năm 2012 ước đạt 905.790 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Xét về tổng thể, chi NSNN vẫn được bảo đảm, tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết trong cơ cấu chi cho thấy ở một số lĩnh vực, địa phương đã xảy ra tình trạng mất cân đối của cả ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP).
Trong khi đó số nợ của NSTW có xu hướng tăng, như nợ Quỹ hoàn thuế GTGT; nợ chưa bố trí được nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. UBTCNS cho rằng, điều này sẽ gây áp lực cho bố trí và điều hành NSNN trong các năm tới.
Tận thu, tăng hiệu quả nguồn vốn
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến ngày 20/2/2013, số vốn đầu tư giao cho các chủ đầu tư mới đạt 98,2% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, tình trạng chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm, còn tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục, chưa có quyết định đầu tư, chưa phê duyệt tổng dự toán.
Tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 30,1% dự toán, đạt thấp về tiến độ thực hiện dự toán so với cùng kỳ nhiều năm gần đây; thu từ dầu thô đạt 40,7% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23% dự toán. Chi NSNN 4 tháng đầu năm 2013 đạt 303.400 tỷ đồng, bằng 31% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 57.090 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 32,2% dự toán.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng không có nguồn thu NSNN, trong tình hình rất khó khăn, nợ xấu, tồn kho cao, DN tiếp tục phá sản, 50% số DN còn lại đang hoạt động báo lỗ. Trong khi đó, hiệu quả của việc chi lại chưa được tính toán chi tiết.
UBTCNS cho rằng, những giải pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết khó khăn cho DN thông qua miễn, giảm, giãn thuế đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm gần đây nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá về mặt định tính, định lượng về hiệu quả, tác động của các giải pháp này để rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành chính sách tài khóa.
Thống nhất với các giải pháp điều hành về kinh tế - ngân sách của Chính phủ đề ra từ nay đến cuối năm, UBTCNS kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi gian lận về thuế, hoàn thuế, tích cực chống buôn lậu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, góp phần tăng thu cho NSNN. Cân nhắc thận trọng việc điều chỉnh chính sách thu NSNN, tránh dẫn đến giảm thu quá lớn. Đồng thời, đánh giá lại về cơ cấu thu NSNN, tính hợp lý của chính sách thu hiện hành.
Bên cạnh đó cần triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi NSNN. Rà soát, cắt, giảm những khoản chi NSNN chưa thật cần thiết. Cơ cấu lại chi NSNN hợp lý theo hướng hạn chế hoặc tạm dừng việc mua sắm xe công, các thiết bị đắt tiền chưa cần thiết; chú trọng tinh giản biên chế; tăng cường xã hội hóa để giảm gánh nặng cho NSNN. Có chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm của người quyết định đầu tư, phê duyệt dự án với hiệu quả dự án.
Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển phân tích, năm 2011 tăng thu 126 nghìn tỷ đồng. Nhưng năm 2012 tăng thu chỉ hơn 6 nghìn tỷ đồng. Với tình hình hiện nay thu NSNN là rất khó khăn chưa kể khả năng còn bị hụt thu. Trước bối cảnh như vậy, ông Hiển đề nghị các cơ quan Chính phủ cần tích cực khai thác các nguồn thu trong nước. Hơn thế, trước bối cảnh xuất nhập khẩu chưa khả quan, nếu thực hiện chi như kế hoạch ban đầu thì chi có đáp ứng được hay không.
“Nếu thu thế này thì phải tiết kiệm chi mặc dù tiết kiệm chi hiện nay được xem là đã rất tích cực. Nên chăng phải thực hiện ngay từ kỳ họp Quốc hội này bởi nếu để đến kỳ họp tháng 10 mới đưa ra thì tất cả đã an bài. Khi đó xử lý sẽ rất khó”, ông Hiển đề xuất.
Số liệu bội chi NSNN không còn ý nghĩa
Bội chi NSNN được bảo đảm ở mức Quốc hội quyết định là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP kế hoạch, các tỷ lệ dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia so với GDP được bảo đảm trong phạm vi giới hạn cho phép. Tuy nhiên, số liệu bội chi NSNN không còn ý nghĩa khi số nợ NSTW lớn do số tiền hoàn thuế GTGT chưa xử lý, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi, đây cũng là những yếu tố gây khó khăn cho cân đối NSNN ngay trước mắt cũng như trong dài hạn. Có ý kiến trong UBTCNS cho rằng, cần lưu ý khi bội chi năm 2011 đã giảm xuống 4,4% GDP, năm 2012 lại tăng lên 4,8% GDP bởi đây là tín hiệu không thuận cho an ninh tài chính và mục tiêu phấn đấu giảm dần bội chi NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách |
Theo Thời báo ngân hàng