Ngân hàng được cho vay nhiều hơn
Kể từ 1/9, số tiền mà các nhà băng được phép cho doanh nghiệp, dân cư vay sẽ không còn bị giới hạn bởi tỷ lệ 80% vốn huy động.
Kể từ 1/9, số tiền mà các nhà băng được phép cho doanh nghiệp, dân cư vay sẽ không còn bị giới hạn bởi tỷ lệ 80% vốn huy động.
Ngân hàng Nhà nước một lần nữa sửa đổi nội dung của Thông tư 13, quy định về các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (sau lần sửa đổi tại Thông tư 19) bằng việc cho ra đời Thông tư 22 vào cuối ngày 30/8.
Nội dung quan trọng nhất của Thông tư 22 là việc loại tỷ lệ “cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” ra khỏi danh mục các tỷ lệ an toàn vốn mà các nhà băng phải đảm bảo theo quy định cũ. Như vậy, kể từ 1/9 tới (thời điểm mà Thông tư có hiệu lực), các ngân hàng sẽ được phép cho vay quá 80% vốn huy động. Đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ 85% cũng sẽ được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, hoạt động cho vay của các nhà băng vẫn sẽ bị giới hạn bởi các tỷ lệ an toàn khác, theo quy định tại Thông tư 13, bao gồm: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có so với tổng tài sản, hiện quy định ở mức 9%), giới hạn tín dụng (đối với từng nhóm khách hàng), tỷ lệ khả năng chi trả và giới hạn vốn góp – mua cổ phần tại doanh nghiệp.
Việc hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ vốn huy động nói trên được Ngân hàng Nhà nước đưa sau khi buổi làm việc với 12 ngân hàng thương mại lớn phát đi thông điệp giảm lãi suất và thanh khoản tiền đồng trong hệ thống đang dư thừa. Quyết định này cũng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà băng luân chuyển vốn hiệu quả hơn giữa thị trường sơ cấp với liên ngân hàng, tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.
Cùng với nội dung nêu trên, Thông tư 22 cũng điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số tài sản có bằng ngoại tệ của ngân hàng khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Nhật Minh