Nghề sửa đồng hồ sắp trôi vào dĩ vãng

Cập nhật: 2013-08-05 02:09:29

Từng thu nhập cả cây vàng mỗi tháng, giờ đây chú Phát, quận 11, TP HCM gói ghém lắm mới trang trải đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày bởi nghề sửa đồng hồ đã qua thời hoàng kim.

Từng thu nhập cả cây vàng mỗi tháng, giờ đây chú Phát, quận 11, TP HCM gói ghém lắm mới trang trải đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày bởi nghề sửa đồng hồ đã qua thời hoàng kim.

Bất kể trời nắng hay mưa, chú Phát, 57 tuổi, ở quận 11 vẫn đều đặn có mặt ở góc đường quen thuộc để sửa đồng hồ cho những ai có nhu cầu. Khách lúc đông lúc vắng, chủ yếu thay pin hoặc lau dầu. Nếu lau dầu cho đồng hồ chạy bằng pin chú tính giá 50.000 đồng một chiếc, còn đồng hồ cơ là 100.000 đồng. Thu nhập của chú khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng, tiền trả cho “chỗ ngồi” là 500.000 đồng một tháng.

Hai năm nay chú đổi địa điểm 3 lần do người chủ lấy lại mặt bằng. "May là nơi đây cách chỗ cũ chỉ khoảng 2 km, chứ không thì phải gây dựng lại từ đầu mối quen biết với khách hàng sẽ càng khó khăn hơn nữa”, người đàn ông có thâm niên 30 năm trong nghề chia sẻ.

Thu nhập của chú giảm hơn 20% so với 2 năm trước. Đồng hồ Trung Quốc tràn lan trên thị trường với kiểu dáng đẹp, mức giá khá rẻ chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng một chiếc. Điều này khiến nghề sửa đồng hồ thịnh hành một thời ngày càng mai một dần, nhiều người phải chuyển sang làm việc khác. Theo chú, nghề này nhờ khách quen giới thiệu lẫn nhau, chứ khó có thể thêm khách mới, có chăng là một số khách vãng lai tình cờ ghé đến tiệm.

Cách đây 10 năm, chú Phát có thể kiếm được một cây vàng mỗi tháng vì ngoài sửa chữa, chú thường mua đồng hồ cũ của khách rồi tân trang bán lại. Thời điểm đó, đồng hồ đeo tay rất thịnh hành, từ học sinh, người đi làm đều sắm cho mình một cái. Còn hiện tại, thói quen này không còn nữa vì ai ai cũng có điện thoại di động kèm cả chức năng xem giờ và ngày tháng đã đẩy bật đồng hồ đeo tay khỏi danh sách vật dụng cần thiết của mỗi người.

Ngồi đúng một nơi để sửa đồng hồ từ những năm 1977 đến nay, chú Vinh, 65 tuổi ở quận 3 dự định giữa đầu tháng 8 dừng hẳn nghề từng gắn bó hơn 40 năm. Chú nói: “Bây giờ mắt kém, tay run nên tôi khó có thể vặn ốc hay đặt các bộ phận chi tiết vào mặt đồng hồ. Lượng khách khá ít, chỉ là các mối ruột gần vài chục năm đến thay pin hay cần thay dây, chứ khách vãng lai rất hiếm”, chú cho hay. Hiện giờ, thu nhập của chú khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng, đa số là thay pin và kiếm lời từ bán đồng hồ.

Chú cho biết, hiện nay các thiết bị điện tử khác như điện thoại, máy tính bảng… đều có tích hợp tính năng đồng hồ nên người tiêu dùng không nhất thiết phải mua một chiếc đồng hồ đeo tay nữa. Nhớ lại thời hoàng kim cách đây hơn 20 năm, chú kể, chỉ làm khoảng 4 năm là dư tiền để mở một tiệm đồng hồ. Nhờ số tiền tích cóp trước đó mà bây giờ chú có thể hỗ trợ con trai để mở một tiệm đồng hồ cổ như là một cách để nối nghiệp. Chú nói: “Công việc này có thể không còn phù hợp với hiện nay, nhưng tôi luôn xem nó là cái phao cứu sinh và là cái nghiệp theo tôi suốt cuộc đời”.

Nhờ một anh bạn cùng quê ở Quảng Trị chỉ giúp cách sửa đồng hồ nên chị Trang, 30 tuổi, ở quận Gò Vấp quyết định chọn công việc này thay vì làm công nhân may ở các khu công nghiệp. Mỗi tháng, chị kiếm tròm trèm khoảng 4 triệu một tháng, chi phí cố định khi mua chiếc xe đẩy đồng hồ là 2,5 triệu đồng.

Chị tâm sự: “Là phụ nữ, nên khách hàng khu vực gần đó ủng hộ chị bằng cách thay pin hoặc nhờ làm vệ sinh cho đồng hồ nên thu nhập cũng lai rai từng ngày”. Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và giữ chữ tín - vốn là những lợi thế của phái nữ. Tuy nhiên, so với 4 năm trước, lượng khách hiện giảm hơn 30%.

Chị dự định phải dời nơi khác sau 5 năm trụ ở đây vì chủ nhà cho một cửa hàng điện thoại di động thuê lại. “Tôi đang lo tìm một nơi mới khác sẽ mất khách quen, trong khi công việc này có đồng ra đồng vào chủ yếu là nhờ mấy mối ruột", chị nói.

Thanh Thanh

 


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading