Nobel Kinh tế 2011 thuộc về hai người Mỹ
Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims - hai nhà khoa học người Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh tế 2011 vì những nghiên cứu của họ về chính sách kinh tế vĩ mô.
Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims - hai nhà khoa học người Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh tế 2011 vì những nghiên cứu của họ về chính sách kinh tế vĩ mô.
>Nobel Kinh tế 2010/2009/2008
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế học năm nay, thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims.
Christopher Albert "Chris" Sims, sinh năm 1942 là nhà kinh tế học người Mỹ. Hiện ông là Giáo sư cấp cao giảng dạy bộ môn Kinh tế và Ngân hàng tại Đại học Princeton.
Còn Thomas John "Tom" Sargent, sinh năm 1943 là nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô, và tiền tệ. Ông được tôn vinh là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay.
Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển tuyên bố trao giải Nobel Kinh tế năm 2011 cho hai nhà khoa học người Mỹ Thomas Sargent và Christopher Sims vì những nghiên cứu của họ về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế.
Hai người chiến thắng đã trả lời được những câu hỏi như kinh tế tăng trưởng như thế nào và lạm phát bị chi phối bởi sự tăng lên tạm thời của lãi suất và cắt giảm thuế ra sao. Họ thực hiện những nghiên cứu độc lập từ những năm 1970 và 1980.
Nghiên cứu của Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims chủ yếu xoay quanh quan hệ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với những biến đổi của nền kinh tế. Tương tự như câu chuyện “con gà và quả trứng”, giới kinh tế học trước đây thường tranh luận về việc các chính sách là nguyên nhân gây ra biến đổi trong nền kinh tế hay những biến động thực tế là cơ sở để hình thành chính sách.
Tuy nhiên, nghiên cứu của 2 nhà khoa học Mỹ đã góp phần xác định một cách định tính và định lượng mối quan hệ nêu trên. Chẳng hạn các chính sách của cơ quan quản lý như Chính phủ hay Ngân hàng trung ương sẽ tác động như thế nào, bao lâu và với liều lượng ra sao đối với các biến số của nền kinh tế như GDP, lạm phát…
Trong khi các nghiên cứu của Christopher A. Sims tập trung vào những biến động ngắn hạn như tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, trong khi Thomas J. Sargent tập trung vào những thay đổi mang tính hệ thống và dài hạn hơn như mục tiêu lạm phát, thâm hụt ngân sách…
Do không thể thực hiện các thực nghiệm tương tự các môn khoa học tự nhiên, nghiên cứu của 2 nhà khoa học chủ yếu dựa trên các dữ liệu quá khứ. Thông qua các dữ liệu này, họ xây dựng các mô hình toán học, lý giải và cuối cùng là mô hình phỏng đoán cho các biến động có thể xảy ra với nền kinh tế khi chính sách thay đổi trong tương lai.
"Ngày nay, các phương pháp do Sargent và Sims phát triển có vai trò rất quan trọng trong việc phân tích kinh tế vĩ mô", Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển tôn vinh hai nhà kinh tế.
Cũng như những người đoạt giải Nobel khác, hai nhà khoa học sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,5 triệu USD).
Kết quả này cũng trùng khớp với dự đoán trước đó của giới khoa học thế giới. Hai nhà khoa học người Mỹ được chọn từ một danh sách với hàng loạt cái tên như nhà lý thuyết học người Ấn Độ Avinash Dixit; Giáo sư người Pháp Jean Tirole với các nghiên cứu về tổ chức công nghiệp; Giáo sư từ trường MIT Jerry A. Hausman, người đã tạo ra phương pháp giúp các nhà khoa học đánh giá biểu mẫu thống kê.
Năm 2010, Nobel Kinh tế được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ và một người Anh: Peter A. Diamond - Học viện công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ); Dale T. Mortensen - Đại học Northwestern (Mỹ); Christopher A. Pissarides - Trường Kinh tế và Chính trị London (Anh).
Trước đây, Kinh tế học vốn không phải là một trong những lĩnh vực được nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel chọn trao giải thưởng như theo di chúc của ông. Năm 1968, giải thưởng dành cho các nhà kinh tế học bắt đầu được tổ chức. Từ năm 1969 đến 2009, lần lượt đã có 41 giải thưởng được trao cho 64 nhà kinh tế học. Trong đó có hơn 40 người Mỹ. Người trẻ nhất từng nhận giải là ông Kenneth J. Arrow đến từ Đại học Harvard (Mỹ). Ông nhận giải thưởng này năm 1972, khi mới 51 tuổi, cùng một cộng sự hơn mình 17 tuổi. Chủ nhân già nhất của giải Nobel Kinh tế là ông Leonid Hurwicz, nhà kinh tế gốc Nga giảng dạy tại Đại học Minnesota (Mỹ). Ông nhận giải năm 2007, khi tròn 90 tuổi. |
Thanh Bình - Nhật Minh