Phá sản không xong, DN làm
Nhiều doanh nghiệp (DN) muốn phá sản không xong đành trở thành “thây ma”, sẵn sàng hoạt động trá hình, lừa đảo, trốn thuế...
Hàng hóa trong kho của Cty Âu Mỹ (Hà Nội) đang bị các ngân hàng đòi siết nợ. Ảnh: Quỳnh Nga.
Nhiều doanh nghiệp (DN) muốn phá sản không xong đành trở thành “thây ma”, sẵn sàng hoạt động trá hình, lừa đảo, trốn thuế...
Tồn tại mà như vô hình
Số liệu của ngành thuế và hải quan cho thấy, hiện tình trạng DN “ma” ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, lừa đảo trốn thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu đang trở thành gánh nặng khiến nhiều địa phương trọng điểm bị hụt thu.
Không ít địa phương bị DN trốn thuế hàng trăm tỷ đồng mà chưa tìm ra hướng tháo gỡ. DN thua lỗ, bỏ trốn cũng gây ra tình cảnh cơ quan thuế, ngân hàng cùng tranh giành nhau xử lý số tài sản thế chấp của các DN.
Theo Cục phó Hải quan TP Hải Phòng Trần Văn Hội, chỉ riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã thống kê được 14 trường hợp DN “ma” đang chây ỳ nợ thuế tại địa phương hoặc đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh để lại số tiền nợ thuế nhà nước lên tới hơn 94,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các “thây ma”, có DN, chủ hoặc người đại diện đang bị tạm giam, hay thụ án tù từ nhiều năm nay. DN trong tình trạng “vô chủ” nên khối nợ thuế của các đơn vị này không biết đếnbao giờ mới được giải quyết.
Trong số này phải kể đến trường hợp của Cty TNHH Phát triển Công nghệ Việt-Pháp (19 Nguyễn Văn Cừ-Hà Nội) đang nợ thuế xuất nhập khẩu lên tới 2,97 tỷ đồng từ năm 2002 đến nay.
Sau nhiều lần đôn đốc nộp thuế không xong, xác minh phía công an địa phương, cơ quan chức năng “ngã ngửa” khi biết Cty không còn hoạt động trên địa bàn từ năm 2005. Sau khi giám đốc Cty Nguyễn Phú Khang bị cơ quan điều tra bắt, DN này cũng dọn đi chỗ khác đến giờ không ai biết ở đâu.
Tương tự, Cty TNHH Điện cơ Sunlan Việt Nam (xã Đình Dự, Mỹ Văn, Hưng Yên) cũng đang nằm trong danh sách nợ thuế xuất nhập khẩu các năm 1998-2000 với tổng số tiền hơn 3,11 tỷ đồng. Đến nay, giám đốc Ho Chen Cho và cả trụ sở Cty “mất tích”.
Tại Lạng Sơn, DN “ma” có chủ là người nước ngoài bỏ trốn với số tiền nợ thuế lớn cũng đang là vấn đề đau đầu với cơ quan quản lý. Trường hợp Cty TNHH KHKT-ĐT Mộng Phong bỏ trốn khỏi địa bàn từ lâu khiến cơ quan chức năng không thể thực hiện cưỡng chế số nợ thuế nhập khẩu, thuế VAT trên 1,7 tỷ đồng.
Cục trưởng Hải quan Bình Phước Võ Tri Tâm cho biết, cũng đang gặp vướng mắc với trường hợp Cty TNHH Dae Hee SJ nợ thuế gần 1,6 tỷ đồng. Công ty gặp khó khăn, thông báo tạm ngừng hoạt động từ tháng 9/2008. Giám đốc Yuong Chol (người Hàn Quốc) bỏ về nước từ năm 2009. Khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ, cơ quan hải quan mới biết, ngoài nợ thuế, Cty đang nợ ngân hàng hơn 12,3 tỷ đồng.
“Do không có chủ DN nên không tiến hành các thủ tục phá sản được. Khi muốn cưỡng chế tài sản thì vướng do ngân hàng đã nộp đơn lên tòa án nhân dân kiện để thu hồi nợ. Ngân hàng cũng đề nghị hải quan không kê biên tài sản thế chấp để đảm bảo quyền ưu tiên xử lý tài sản nhằm thu hồi nợ”, ông Tâm nói.
Đau đầu với doanh nghiệp “ma”
Một cán bộ Phòng quản lý nợ Cục thuế Hà Nội cho biết đang “đau đầu” vì gặp nhiều trường hợp DN bỏ trốn để lại số tiền nợ thuế lớn kéo dài trong suốt 10 năm qua mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
“Năm nào, kiểm toán nhà nước cũng nêu về tình trạng nợ lưu cữu hàng chục nghìn tỷ đồng kéo dài dù cơ quan thuế muốn sớm giải quyết dứt điểm những tồn đọng này. Với trường hợp DN phá sản, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp. Nhưng trường hợp được xóa nợ rất ít”, vị này cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện tượng DN thành lập với mục đích mua bán hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Bộ đã yêu cầu, các cục thuế tổ chức phân loại DN rủi ro cao về thuế, trong đó lưu ý các DN kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sử dụng hóa đơn của các đơn vị có trụ sở ở những địa phương không có nguồn nguyên liệu.
Theo đó, các cục thuế phải rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch thanh, kiểm tra thuế năm 2013, đảm bảo ít nhất 60% DN trong kế hoạch thanh tra là đơn vị có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
“Số DN đã hoàn thành thủ tục phá sản, ngừng hoạt động theo các báo cáo thống kê chính thức chỉ là “phần nổi”, về thực trạng khó khăn (của DN). Trong thời gian tới, những DN không nộp tờ khai thuế theo quy định sẽ bị chuyển sang danh sách những đơn vị không còn sản xuất kinh doanh. Sau 10 ngày kể từ khi cảnh báo, DN vẫn không nộp tờ khai thuế thì tổ chức kiểm tra”, ông Tuấn cho biết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước có trên 31.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 156,43 nghìn tỷ đồng. Khoảng 8.800 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao.