Soi sức khỏe 6 cổ phiếu giá cao nhất sàn

Cập nhật: 2013-05-17 03:35:22

Không vay ngân hàng, nợ ngắn hạn nhỏ hơn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ cổ tức 120% hay tiền mặt chiếm gần 80% tổng tài sản là những con số ấn tượng của nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu giá trên 100.000 đồng.

Không vay ngân hàng, nợ ngắn hạn nhỏ hơn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ cổ tức 120% hay tiền mặt chiếm gần 80% tổng tài sản là những con số ấn tượng của nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu giá trên 100.000 đồng.

Trên 2 sàn Hà Nội và TP HCM, trong khoảng 700 đơn vị niêm yết cổ phiếu, chỉ 6 chứng khoán có mức giá cao hơn 100.000 đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I, những đơn vị này duy trì được lợi nhuận khả quan.

Xét về tổng tài sản và tiền mặt, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) là doanh nghiệp đứng đầu, với lần lượt 40.620 tỷ đồng và gần 6.858 tỷ đồng. Tuy nhiên, về tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã CK: HGM) mới là đơn vị số một, với tỷ lệ gần 80%.

Doanh nghiệp ít tiền mặt nhất là Công ty cổ phần Cáp treo núi Bà Tây Ninh (Mã CK: TCT), với 86 tỷ đồng. Nhưng xét trên quy mô vốn, đơn vị có giá cổ phiếu cao nhất sàn Hà Nội này chỉ đứng sau Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, với tỷ lệ khoảng 40%.

6-co-phieu-JPG-1368678473_500x0.jpg

Về nợ ngắn hạn, Masan cũng đứng đầu, với 5.551 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhất là Công ty cổ phần Traphaco (Mã CK: TRA). Tính đến 31/3, Traphaco có khoản nợ ngắn hạn trên 478 tỷ đồng, bằng 101% vốn chủ sở hữu. Công ty có tỷ lệ này thấp nhất là Cáp treo Núi Bà Tây Ninh, với 8,5%.

Khoáng sản Hà Giang và Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (Mã CK: VCF) có nợ ngắn hạn lần lượt 24 tỷ đồng và 156 tỷ đồng, nhưng không phải là nợ vay ngân hàng. Trong khi Vinacafe Biên Hòa chủ yếu là khoản phải trả người bán, thì Khoáng sản Hà Giang nợ chủ yếu liên quan đến khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác và thuế phải nộp Nhà nước.

Với tổng doanh thu là gần 6.680 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) thu về mức lợi nhuận sau thuế hơn 1.531 tỷ đồng quý đầu năm. Nhưng xét về tỷ lệ lãi trên doanh thu, mức 23% của Vinamilk chỉ đứng thứ 3, sau hai doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội là Cáp treo Núi Bà Tây Ninh và Khoáng sản Hà Giang. Trong đó, tỷ lệ lãi trên doanh thu của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cao nhất, đạt gần 64%, còn Khoáng sản Hà Giang đạt gần 60%.

Đại gia tiêu dùng Masan quý I có mức lãi sau thuế trên doanh thu chỉ nhỉnh hơn 2%, thấp nhất nhóm.

[Caption]
Đơn vị: Đồng.

Tính tới 31/3, lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) cao nhất là Cáp treo núi Bà Tây Ninh, với 12.748 đồng, tiếp theo là Khoáng sản Hà Giang, với 3.828 đồng. Masan có mức EPS một đồng, thấp nhất quý này.

Mức cổ tức của Cáp Treo Núi Bà Tây Ninh và Khoáng sản Hà Giang cũng là "mơ ước" với các cổ đông hiện tại. Trong đó, năm 2012, Khoáng sản Hà Giang trả cổ tức 120% (12.000 đồng một cổ phiếu), còn Cáp treo Núi Bà Tây Ninh ở mức thấp hơn với tỷ lệ 80% (8.000 đồng một cổ phiếu).

Đại gia ngành tiêu dùng là Vinamilk chi cổ tức ở mức 30% (3.000 đồng một cổ phiếu), còn Vinacafe Biên Hòa và Traphaco lần lượt có mức cổ tức 20% (mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng).

Masan, năm 2012, tiếp tục chính sách không chia cổ tức, với lý giải dùng vốn để tái đầu tư và MSN là cổ phiếu lợi cổ chứ không phải lợi tức (giá cổ phiếu gia tăng theo thời gian chứ không phải cổ phiếu có cổ tức cao).

Mở cửa phiên giao dịch 16/5, VCF vẫn là mã có giá cao nhất, đạt 230.000 đồng một cổ phiếu, tiếp theo TCT ở mức 150.600 đồng. Hai đại gia tiêu dùng VNM và MSN đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5, lần lượt là 124.000 đồng và 112.000 đồng; sau TRA, với 130.000 đồng. HGM, đơn vị chia cổ tức "khủng" nhất sàn có mức giá 106.300 đồng, đứng cuối.

Hàn Phi


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading