Thị trường lao động khát nhân sự cấp cao
Một công ty đa quốc gia hay tập đoàn lớn trong nước cần ít nhất 5-7 người giữ các vị trí chủ chốt nhưng thực tế không đáp ứng đủ và phải chiêu mộ thêm nhân tài từ các nước bạn, theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc CareerBuilder Việt Nam.
Một công ty đa quốc gia hay tập đoàn lớn trong nước cần ít nhất 5-7 người giữ các vị trí chủ chốt nhưng thực tế không đáp ứng đủ và phải chiêu mộ thêm nhân tài từ các nước bạn, theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc CareerBuilder Việt Nam.
Ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc CareerBuilder Việt Nam (công ty chuyên về giải pháp tuyển dụng) trao đổi với VnExpress.net về thực trạng nguồn nhân lực cao cấp tại thị trường Việt Nam hiện nay.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường nhân sự cao cấp tại Việt Nam?
- Nguồn cung nhân lực cấp cao hiện rất ít, thiếu trầm trọng so với nhu cầu của xã hội. Số lượng thiếu hụt có thể từ vài nghìn đến hàng chục nghìn người.
Ở Việt Nam, có vài nghìn công ty đa quốc gia lẫn tập đoàn lớn trong nước. Mỗi đơn vị này cần tối thiểu 5-7 người nắm giữ các vị trí quan trọng để bộ máy vận hành tốt. Nhưng nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ và phải mời gọi các sếp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Hiện tại, nhân sự cao cấp tại Việt Nam chỉ mang tính tương đối, chứ không theo chuẩn quốc tế vì rất nhiều người được gọi là nhân sự cao cấp nhưng vẫn còn thiếu một số yếu tố.
Khi trở thành nhân sự cấp cao, người đó phải thỏa 3 tiêu chuẩn. Thứ nhất, có kỹ năng cứng, ví dụ: người làm quản trị phải am hiểu rất vững về chiến lược, con người, vĩ mô, tầm nhìn và có những kinh nghiệm thực tế. Thứ hai, có kỹ năng mềm, nghĩa là biết cách quản lý nhân sự để làm thế nào tạo dựng văn hóa công ty. Thứ ba là thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, ở cả 3 kỹ năng: viết, đọc và nghe. Khi cử nhân sự cao cấp đi công tác bất cứ nơi nào trên thế giới, họ cũng đều có thể nói tiếng Anh thành thạo và có đủ cả hai kỹ năng cứng và mềm.
- Vậy cần có giải pháp gì để nhân sự cấp cao của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn?
- Tôi nghĩ còn lâu lắm nhân sự cấp cao của Việt Nam mới trang bị đủ những yêu cầu gắt gao từ thực tiễn công việc. Tình trạng thiếu hụt nhân tài phổ biến ở nhiều nước chứ không riêng gì Việt Nam, kể cả quốc gia phát triển mạnh như Mỹ cũng phải săn lùng khắp nơi, thậm chí chiêu mộ thêm ở các nước để có được đội ngũ lao động giỏi.
Điều quan trọng hiện nay là phải xây dựng lại hệ thống đào tạo, giáo dục, tạo môi trường phát triển cho cá nhân kết hợp với nhiều chương trình cải cách mới mong ươm mầm nên những nhân tài cho đất nước trong tương lai.
- Mức lương của nhân sự cao cấp tại Việt Nam hiện nay?
- Mức lương sẽ khác nhau ứng theo từng ngành. Ví dụ, cùng là trưởng phòng nhưng ở lĩnh vực này là 7.000 đến 8.000 USD một tháng, nếu làm việc tại ngân hàng có thể nhận 20.000 USD. Sự khác biệt trong thu nhập còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng công ty đó tạo ra dịch vụ hay sản phẩm gì.
TP HCM có nhiều hoạt động kinh doanh và thương mại nên số lượng nhân sự cao cấp tại đây lớn hơn Hà Nội. Ngoài ra, do khả năng sản xuất, cung ứng ở TP HCM lớn hơn nên chế độ lương bổng có phần nhỉnh hơn thủ đô. Tùy theo ngành nghề, mức lương trung bình của nhân sự cao cấp ở miền Nam cao hơn 20-25% so với miền Bắc.
So với Campuchia, Lào, hiện lương cho những người giữ vị trí quan trọng tại doanh nghiệp Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan, Malaysia, khoản thu nhập của những nhân sự giỏi này thấp hơn. Số tiền doanh nghiệp trả cho lao động cao cấp phải tỷ lệ thuận với quy mô và sản lượng công ty.
Ví dụ tại một nhà máy xi măng ở Việt Nam và Thái Lan, số lượng công việc tương tự nhau, nhưng lương giám đốc Thái Lan vẫn nhỉnh hơn vì thị trường ở đây lớn, sức tiêu thụ nhiều và tạo ra lợi nhuận, doanh số tốt hơn hẳn tại Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng nhân sự cao cấp nên nhảy việc để thử thách bản thân, nhưng không ít người đồng tình với quan điểm nên gắn bó một công việc để dễ dàng thăng tiến. Ông nghĩ sao về những lập luận này?
- Nhảy việc là điều rất bình thường. Chúng ta không thể trách những người này chỉ vì họ qua một nơi khác khi nhận thấy có nhiều cơ hội hơn như: có mức lương tốt, văn hóa công ty ở tầm cao, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố khiến nhân sự cao cấp nhảy việc hay quyết định gắn bó với một công ty. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà ứng viên cần tính đến là môi trường làm việc, năng lực thực sự của bản thân...
Có rất nhiều người giỏi không đặt nặng chuyện lương thưởng khi tìm "bến đỗ". Điều mà họ quan tâm nhất là tìm việc làm phù hợp với sở trường để phát huy hết thế mạnh vốn có.