Thống đốc Ngân hàng là Nhân vật của năm do độc giả bầu chọn
Với hơn 73.000 lượt ủng hộ qua SMS và email, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trở thành Nhân vật của năm do độc giả VnExpress.net bình chọn.
Với hơn 73.000 lượt ủng hộ qua SMS và email, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trở thành Nhân vật của năm do độc giả VnExpress.net bình chọn.
Là một đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của Chính phủ, cùng với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng hay Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình gây ấn tượng với dư luận ở những quyết định nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả ngay sau khi nắm quyền.
Mới nhậm chức được chưa đầy 4 tháng nhưng nhiều nút thắt của thị trường tiền tệ, của hệ thống ngân hàng đã dần được Thống đốc Bình nói riêng và Ngân hàng Nhà nước nói chung tìm cách tháo gỡ. Đáp số cho những bài toán phức tạp này rõ ràng cần được thời gian kiểm chứng nhưng những gì đạt được sau hơn 100 ngày đầu của tân Thống đốc là rất đáng khích lệ.
Nhận trọng trách trong bối cảnh cả nền kinh tế phải gồng mình chống lạm phát, kiên trì thực hiện mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô của Nghị quyết 11, ưu tiên số một của người đứng đầu ngành ngân hàng là điều hành tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt để phục vụ mục tiêu chung. Bản thân Thống đốc Bình cũng giữ cho mình một thái độ thận trọng, kín kẽ nhưng quyết liệt trong điều hành và sử dụng các công cụ của ngân hàng trung ương.
Không vừa lòng với cách điều hành tiền tệ “bị động, chạy theo thị trường”, trong nhiều buổi làm việc với các ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình liên tục nhấn mạnh vai trò “người can thiệp cuối cùng” của Ngân hàng Nhà nước. Ông khẳng định trong giai đoạn tới, ngân hàng trung ương sẽ sử dụng hiệu quả hơn bộ lãi suất chủ chốt, tỷ giá bình quân liên ngân hàng... để làm công cụ dẫn dắt thị trường.
Thống đốc đề ra một số mục tiêu cho giai đoạn ngắn hoặc trung hạn như đưa lãi suất huy động về 14% cho vay về 17-19% hoặc giữ biên độ tỷ giá không dao động quá 1% đến hết năm 2011… Những tuyên bố này nhận được nhiều phản ứng khác nhau, trong đó không ít ý kiến cho rằng những mục tiêu này sẽ bó buộc chính sách tiền tệ vào một khung cứng nhắc, gây khó cho điều hành.
Tuy vậy, trước những quan điểm này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước luôn xuất hiện để có những luận giải khá thuyết phục cho những quyết định của mình. Với ý kiến cho rằng, lãi suất tiền gửi chỉ 14% là không hợp lý trong bối cảnh lạm phát lên tới 18%, Thống đốc Bình cho rằng, mức lãi suất nói trên được định hướng cho một năm sắp tới, khi mà định hướng lạm phát là một con số. Như vậy, lãi suất 14% là hoàn toàn thực dương và có lợi cho người gửi tiền.
Tiếp nối khá nhiều giải pháp của người tiền nhiệm, các giải pháp điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình được đánh giá là mang nhiều tính hành chính. Tuy vậy, đặt trong bối cảnh kinh tế - tài chính nhiều khó khăn, những biện pháp được Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước áp dụng cũng được nhiều chuyên gia nhận định là cần thiết và phần nào đã cho thấy hiệu quả.
Kỷ luật trong ngành ngân hàng bước đầu được thiết lập khi hầu hết các nhà băng không dám vượt trần huy động. Lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu… giảm dần xuống còn khoảng 16-19% trong tháng 11. Thị trường ngoại tệ dần ổn định khi tỷ giá liên ngân hàng được điều hành linh hoạt hơn. Khoảng cách giá giữa thị trường chính thức và chợ đen được thu hẹp, tiến tới ngăn chặn nạn đầu cơ.
Một đóng góp quan trọng khác của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm là góp phần bình ổn thị trường vàng. Sau các giải pháp cấp quota nhập khẩu, cơ quan quản lý đã lập nhóm 5 ngân hàng cùng với SJC bình ổn giá, cho cân đối trên tài khoản nước ngoài, thị trường vàng bước đầu được hạ nhiệt, không còn cảnh chen mua, chen bán khi giá thế giới biến động. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước sau đó còn công bố việc thống nhất thương hiệu vàng miếng trong cả nước về SJC.
Không chỉ căn cứ trên những gì đã làm được sau 4 tháng nhậm chức, sự tin tưởng của độc giả VnExpress.net dành cho Thống đốc Bình còn cho thấy hy vọng vào những chuyển biến lớn trong hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường tiền tệ thời gian tới.
Đang chủ trì đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội vào đầu năm tới nhưng quá trình này thực tế đã được Ngân hàng Nhà nước bắt tay vào thực hiện. 3 ngân hàng đầu tiên đã được sáp nhập tại TP HCM đúng theo định hướng “giảm số lượng, tăng hợp lý về quy mô và chất lượng hoạt động”. Vai trò của Thống đốc được khẳng định khi ông đích thân đứng ra công bố quyết định này cùng với cam kết đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền cũng như thanh khoản 3 ngân hàng trong quá trình sáp nhập.
Hành động này một lần nữa chứng tỏ cơ quan điều hành tiền tệ đã không chỉ dừng lại ở việc “nói là làm” mà đang tiến dần tới khả năng “nói được, làm được”. Đây là tín hiệu vui cho dù câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng với tất cả những lệch lạc mà hệ thống ấy đang mang trong mình vẫn là một nhiệm vụ dài và gian nan phía trước.
Những khó khăn của kinh tế vĩ mô được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí ở mức độ bi quan hơn trong năm tới. Bối cảnh này cũng đặt hệ thống ngân hàng trước áp lực nặng nề hơn, vừa phải trị bệnh cho mình, vừa phải chung tay gánh vác khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Yêu cầu đó đặt Ngân hàng Nhà nước và người đứng đầu trước những thử thách ngày một to lớn.
Độc giả VnExpress.net kỳ vọng Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục có những chính sách điều hành quyết liệt, hiệu quả và ấn tượng hơn nữa, xứng đáng là Nhân vật của năm 2011 trong lòng độc giả VnExpress.net cũng như gần 90 triệu người dân Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961 tại tỉnh Phú Thọ, trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Khoa học Kinh tế (tại Liên bang Nga). Ông về công tác tại Ngân hàng Nhà nước từ tháng 12/1986. Sau 12 năm làm việc tại Vụ Hợp tác Quốc tế và đảm đương vai trò Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, tháng 11/1998, ông dược bổ nhiệm làm Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội. Từ tháng 11/2001 đến tháng 6/2005, ông được cử đi đại diện, giữ chức Phó Chủ tịch và quyền Chủ tịch Ban Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (MIB) tại Liên bang Nga. Từ tháng 7/2005 đến tháng 4/2008, sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại diện, ông về nước tiếp tục công tác tại Ngân hàng Nhà nước và giữ chức Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông được bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ tháng 8/2011 sau 3 năm đảm đương vai trò Phó thống đốc. |
Bạn đọc chọn nhân vật của năm | |
Nhân vật đề cử | Lượt bình chọn |
Ông Nguyễn Văn Bình | 73,342 |
Ông Đinh La Thăng | 16,503 |
Các hiệp sĩ SBC | 6,543 |
Ông Nguyễn Chí Vịnh | 3,648 |
Kỳ thủ Lê Quang Liêm | 1,645 |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân | 971 |
|
Tổng cộng: 102,650 |
VnExpress