Thủy điện làm gia tăng động đất ở Quảng Nam
Bờ trái của sông Tranh tồn tại các đới đứt gãy. Đến khi tích nước thủy điện Sông Tranh 2 thì làm gia tăng cường độ đứt gãy và gây ra hiện tượng động đất kích thích.
Bờ trái của sông Tranh tồn tại các đới đứt gãy. Đến khi tích nước thủy điện Sông Tranh 2 thì làm gia tăng cường độ đứt gãy và gây ra hiện tượng động đất kích thích.
2 ngày qua, đoàn khảo sát thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã khảo sát mặt, vai đập thủy điện Sông Tranh 2, nơi có nhiều vết sụt lún, đồng thời tìm gặp người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Các chuyên gia quan tâm đặc biệt đến âm thanh nổ từ lòng đất, rung chấn gây nứt nhà dân, khoảng cách giữa các tiếng nổ...
Từ thông tin của chính quyền, người dân cùng với việc dùng thiết bị định vị vệ tinh chụp lại đới đứt gãy trong lòng địa chất xung quanh công trình thủy điện sông Tranh 2, bước đầu các chuyên gia tìm ra hai nguyên nhân khiến lòng đất ở một số khu vực huyện Bắc Trà My và Nam Trà My phát nổ. Đó là do đới đứt gãy của địa chất và công trình thủy điện sông Tranh 2 chặn dòng, tích nước hồ chứa.
Viện trưởng Địa chất Trần Tuấn Anh, Trưởng đoàn khảo sát nhận định: "Hoạt động đứt gãy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ở bờ trái của Sông Tranh có trước khi xây thủy điện. Khi tích nước thủy điện sông Tranh 2 đã làm gia tăng cường độ đứt gãy này gây ra hiện tượng động đất kích thích".
Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, chuyên gia nghiên cứu địa động lực giải thích thêm, mạch nước ở hồ chứa thủy điện sông Tranh 2 đã thẩm thấu làm giảm kết cấu đất đá, giải phóng năng lượng nhanh, kích hoạt vào đới đứt gãy tạo ra động đất kích thích. "Về cơ bản thì trạng thái căng thẳng của đất đá vùng này đã hoạt động mạnh tự nhiên, giờ tích nước lòng hồ thay đổi áp suất đột ngột nên gây động đất sớm hơn", ông Hùng nói.
Các chuyên gia đang thu thập thông tin từ người dân về hiện tượng lòng đất liên tiếp phát nổ. Ảnh: Trí Tín. |
Theo các chuyên gia, động đất kích thích từng xảy ra đối với các công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình sau vài tháng tích nước lòng hồ. Một số nơi sau khoảng 5 năm kể từ khi chặn dòng, tích nước hồ chứa thì hoạt động kích thích dừng hẳn. Nhưng cũng có nơi như hồ chứa ở Ấn Độ động đất kích thích kéo dài 20 đến 30 năm mới ngừng hẳn.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình thủy điện sông Tranh 2 được Bộ Tài Nguyên Môi trường phê duyệt, công trình này có thể chịu tác động cực đại đến 5,5 độ richter.
"Những đợt dư chấn từ đầu năm đến nay ở vùng hạ lưu Bắc Trà My chỉ ghi nhận dưới 3,5 độ richter, tức là mức độ nhẹ chưa thể gây nguy hiểm cho người dân. Hơn nữa công trình thủy điện sông Tranh 2 đã được tính toán kỹ với mức an toàn hồ đập đến 4.750 năm", giáo sư Phan Trọng Trịnh, chuyên gia kiến tạo Viện Địa chất khẳng định.
Mỗi lần lòng đất phát ra tiếng nổ lớn gây rung chuyển mặt đất là người dân huyện Bắc Trà My trốn dưới gầm giường, gầm bàn hoặc chạy ra khỏi nhà vì sợ nhà sập đè mất mạng. Ảnh: Trí Tín. |
Tại cuộc họp với Đoàn khảo sát động đất thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam vào chiều 1/12, ông Trần Minh Cả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tuy kết luận là do động đất kích thích, chưa thể gây nguy hiểm cho người dân, nhưng về lâu dài, tỉnh đề xuất Viện cần khẩn trương lắp đặt Trạm quan trắc động đất tại huyện Bắc Trà My. Trước mắt cần soạn thảo, in tờ rơi hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với động đất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã thống nhất với Đoàn khảo sát lập đề tài nghiên cứu khoa học động đất liên quan đến sạt lở đất, an toàn hồ đập thủy điện sông Tranh 2 vào công trình cấp thiết của tỉnh trong năm 2012.
Trí Tín