Tiền chờ chứng khoán
Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán cũng cho rằng, lình xình đi ngang và giảm nhẹ trong biên độ hẹp là khả năng lớn mà thị trường sẽ diễn ra trong tuần này.
Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán cũng cho rằng, lình xình đi ngang và giảm nhẹ trong biên độ hẹp là khả năng lớn mà thị trường sẽ diễn ra trong tuần này.
Sau khi giảm mạnh chuyển sang hồi phục một hai phiên và chựng lại, kèm theo đó là giá trị giao dịch thấp là những dấu hiệu cho thấy tâm lý chờ đợi và chưa có niềm tin vào sự hồi phục từ thị trường của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán trong những ngày đầu tháng 7 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong 3 phiên giao dịch ngày 1 – 2 và 3/7, VN-Index, HNX-Index đều giảm nhẹ. Lình xình cộng với thanh khoản thấp của thị trường được nhận định là do tâm lý chờ đợi xem những chính sách vĩ mô được “thẩm thấu” như thế nào.
Khối ngoại còn lo đến khi nào?
Theo thống kê sơ bộ mới nhất, chỉ trong tháng 6 vừa qua, khối nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.170 tỉ đồng. Một con số khá lớn bởi trong 6 tháng đầu năm họ lại mua ròng 6.000 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán thời gian qua “lao dốc” là do sự bán tháo của khối ngoại. Thật vậy, sự rút vốn này được nhận định là nằm trong chiến lược tái phân bổ danh mục đầu tư toàn cầu, cũng như giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi. Bởi nhà đầu tư nước ngoài còn lo lắng về sự tăng trưởng về kinh tế của các thị trường này, nhất là họ lo lắng về sự khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc.
Tuy vậy, theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Bộ phận Phân tích Đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), nhà đầu tư nước ngoài còn lo lắng bởi việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ “rút” lại tiền thông qua công cụ lãi suất. Nếu điều này xảy ra sẽ làm cho các quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế sẽ rút vốn về thông qua việc bán đi cổ phiếu.
“Ngoài việc bán trực tiếp thì khối ngoại còn đầu tư gián tiếp, dạng ủy thác thông qua các đối tác trong nước, vì vậy mà không chỉ khối ngoại bán ròng mà cả khối nhà đầu tư trong nước cũng phải bán trong thời gian này”- ông Phan Dũng Khánh nói.
Trong khi đó, thời gian này, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ giá USD/VND lại vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%. Điều này đồng nghĩa việc tiền đầu tư của họ đương nhiên giảm mất 1%. Chưa kể thị trường đang nghe ngóng về kết quả của việc xử lý nợ xấu, về triển vọng kinh tế vĩ mô trong nước nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào tích cực.
Đi ngang trong biên độ hẹp
Sau khi giảm mạnh chuyển sang hồi phục một hai phiên và chựng lại, kèm theo đó là giá trị giao dịch thấp là những dấu hiệu cho thấy tâm lý chờ đợi và chưa có niềm tin vào sự hồi phục từ thị trường của nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC cho rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ra khá nhiều trong vài tuần trở lại đây thì họ chưa thể vội vàng mua vào. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước cũng đã có những đợt bán tháo để thoát hàng, đặc biệt là một phần trong số này có cả việc bị bán vì chạy “margin”. Vì vậy, phải đợi một thời gian để lấy lại ổn định. Điều này khiến thị trường đi ngang trong một thời gian ngắn.
Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán cũng cho rằng, lình xình đi ngang và giảm nhẹ trong biên độ hẹp là khả năng lớn mà thị trường sẽ diễn ra trong tuần này. Tuy vậy, nếu thông tin từ FED, hoặc các yếu tố vĩ mô có dấu hiệu tích cực có thể sẽ kích thích thị trường bật vài phiên.
“Chúng tôi đánh giá rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục là giảm điểm. Mặc dù hỗ trợ tại khu vực 461 điểm cho thấy vai trò kỹ thuật của nó, xu hướng giảm vẫn chưa bị vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch giảm mạnh xuống 31 triệu cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giao dịch 50 ngày đạt khoảng 55 triệu. Chiều hướng thấp dần của khối lượng đưa chúng tôi tới đánh giá rằng các đợt phục hồi (nếu có) là không bền vững. Do đó, quan điểm của chúng tôi là các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để giảm rủi ro. Chưa có cơ hội rõ rệt trong giai đoạn hiện tại”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phòng phân tích MBKE nhận định.
Theo Cẩm Huỳnh