Tiền đi vào đâu?
Tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, nợ xấu cao khiến tín dụng tắc, dẫn đến tiền ứ đọng.
Tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, nợ xấu cao khiến tín dụng tắc, dẫn đến tiền ứ đọng.
Từ nay đến cuối năm, với dư địa tăng trưởng còn nhiều, các ngân hàng sẽ xoay xở thế nào, và ngắm đến những khách hàng nào để gửi tiền? Chính sách tiền tệ sẽ làm gì chữa bệnh cho nền kinh tế?
Vòng luẩn quẩn ế tiền
Số liệu mới nhất của Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, đến 22/5/2013, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng ở mức 2,29%. Để đạt con số tăng trưởng tín dụng trên, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay.
Lãi suất từ năm 2011 tới nay liên tục giảm, mặt bằng lãi suất đang thấp hơn năm 2007. Gần đây, NHNN giảm thêm 1% lãi suất điều hành, tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, các NHTM tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay và đưa ra các phương án kinh doanh khả thi hỗ trợ chia sẻ khó khăn cho DN.
Tuy nhiên, đi kèm với giảm mạnh lãi suất, lãi biên của ngân hàng giảm khá mạnh. Số liệu mới nhất của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng qua báo cáo 36 NHTM tính đến hết tháng 3, lãi biên của các ngân hàng chỉ còn 1,93%. Đây là con số thấp nhất từ trước tới nay.
Hệ lụy của câu chuyện này sẽ làm gì? “Nếu tiếp tục giảm sẽ có nhiều ngân hàng báo lỗ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.
Đó là chưa kể, trong khi tín dụng vẫn vướng đầu ra, ngân hàng vẫn huy động vốn để giữ khách hàng và quan trọng hơn là đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.
Điều này khiến cho không ít ngân hàng rơi vào tình trạng “ế tiền” ảnh hưởng đến lợi nhuận. Bởi, nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh cho vay với DN năng lực tài chính không tốt thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn do nợ xấu tiếp tục tăng lên. Theo đó, mức trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ tăng theo con số nợ xấu.
Chưa kể, còn một thực tế đang trở ngại cho tín dụng, đó là hiện nay nợ đọng ở địa phương, nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn khiến cho không ít DN bị hạ chuẩn tín dụng khiến khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối năm 2012, con số nợ đọng trong xây dựng cơ bản được đề cập đến là hơn 90 nghìn tỷ đồng. Các DN vay vốn ngân hàng để triển khai các công trình, dự án, nay nguồn tiền bị kẹt nên không có nguồn để trả ngân hàng, chứ không hẳn bản thân họ làm ăn yếu kém.
Đã đến thời điểm tăng
Các ngân hàng đang tính sao với kế hoạch tăng trưởng tín dụng? Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng tiếp tục tập trung 3 đối tượng khách hàng chiến lược là hộ sản xuất kinh doanh, SME và cho vay tiêu dùng.
Hiện tại, rất nhiều ngân hàng đang cố gắng đẩy mạnh tín dụng cá nhân. Nhưng theo ông Tùng, chưa thể kỳ vọng tín dụng cá nhân tăng mạnh vào thời điểm này. Bởi, hiện hoạt động DN gặp nhiều khó khăn khi khó khăn đương nhiên tác động thu nhập và việc làm người lao động. Bản thân người đang có việc làm đang lo thu nhập trong tương lai, mà vay tiêu dùng thực chất là chuyện ứng trước thu nhập trong tương lai.
Do đó, mấu chốt của vấn đề là sự khôi phục thực sự của nền kinh tế, DN mới có nhiều cơ hội phát triển, từ đó tạo công ăn việc làm đảm bảo thu nhập người dân tốt hơn. “Đây là thời điểm tín dụng tăng tốt nhất”, ông Tùng nhấn mạnh.
“Đốt đuốc” tìm khách
Phó Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung cho biết, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HDBank mới đạt mức khoảng 4%, song dư nợ đối với khách hàng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất định. Hiện nay, không ít ngân hàng “đốt đuốc” đi tìm DN tốt.
Ngân hàng nào cũng muốn tìm DN tốt để cho vay, nhưng nghịch lý DN tốt lại không cần vay. Ông Trung cho rằng, không thể chỉ dựa vào tiêu chí DN tốt cung ứng vốn mà quan trọng là DN sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hay không. Nếu cứ chỉ cho vay DN tốt thì việc tăng trưởng tín dụng khó đạt được như mong muốn.
Chính vì vậy, theo ông Trung, nên chăng thời điểm này thay đổi tư duy cấp tín dụng. Có thể giờ họ chưa tốt nhưng chính nhờ đồng vốn của ngân hàng mà giúp họ phát triển tốt hơn trong vòng 3 tháng hay 6 tháng tùy vào đặc thù mỗi DN.
Ông Trung gợi ý, một DN có thể đang có nợ quá hạn do hàng tồn kho chưa bán được, và DN này trình phương án mới vay 50 tỷ đồng khắc phục tình trạng này. Nếu NH đánh giá tốt phương án của họ thì cấp vốn ngay, còn nếu chưa được ngân hàng phải tham gia tư vấn trợ giúp DN về mẫu mã sản phẩm hay thị trường cung ứng…
“Sau khi thay đổi, thấy ổn định, ngân hàng cho vay và kiểm soát dòng tiền của DN trong một thời gian cố định khoảng 6 tháng về việc sử dụng vốn hiệu quả trả nợ ngân hàng. Đấy mới gọi là tín dụng”, ông Trung nói.
Theo Ngọc Linh
Tiền Phong