Vàng được dẫn dắt bằng cả hai “bàn tay” vô hình và hữu hình

Cập nhật: 2013-06-18 01:52:59

Thời gian tới, NHNN chỉ tham gia can thiệp thị trường vàng khi cần thiết và dự kiến sẽ triển khai việc mua vàng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Thời gian tới, NHNN chỉ tham gia can thiệp thị trường vàng khi cần thiết và dự kiến sẽ triển khai việc mua vàng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Sử dụng hiệu quả “bàn tay hữu hình” 

Chấm dứt tình trạng vàng hoá nền kinh tế, giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, ổn định thị trường vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giao cho NHNN trong năm 2013. Sau những thành công bước đầu trong triển khai Nghị định 24 nhằm quản lý bình ổn thị trường vàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục đóng vai trò là “người mua bán cuối cùng” để dần đưa thị trường vàng vào đúng quỹ đạo.

Trước mắt, còn chưa đầy 2 tuần nữa các TCTD phải hoàn tất việc tất toán số dư huy động vàng nhằm thực hiện chủ trương tiến tới xóa bỏ vàng hóa trong nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm NHNN đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các TCTD thực hiện nhiệm vụ này, mà trước hết là tăng nguồn cung vàng miếng. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tạm xuất, tái nhập, ủy thác cho 4 TCTD có nhu cầu chuyển đổi vàng lớn thực hiện việc tạm xuất vàng miếng khác, tạm nhập vàng nguyên liệu đạt chất lượng để gia công thành vàng miếng SJC. Phương án tạm xuất, tái nhập đã được thực hiện một cách an toàn và chấm dứt vào ngày 31/3/2013.

Nhận thấy, nhu cầu vàng của các TCTD đã có những tác động đến cung thị trường, từ cuối tháng 3/2013 đến nay, NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng. Qua đó giảm áp lực đáng kể cầu vàng miếng trên thị trường. Các TCTD còn số dư huy động, cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi vàng thành tiền đã tích cực tham gia các phiên đấu thầu để mua vàng bù đắp tồn quỹ chi trả cho khách hàng khi đến hạn.

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, đến ngày 7/6/2013, các TCTD đã tất toán khoảng 93% số dư huy động và giữ hộ vàng so với ngày 30/4/2012 giúp loại trừ rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống TCTD. So với số lượng 18 TCTD còn số dư huy động tại thời điểm 30/4/2012, đến nay chỉ còn 7 TCTD còn số dư huy động vốn bằng vàng. NHNN đang tiếp tục triển khai các biện pháp kiên quyết yêu cầu các TCTD tất toán đúng thời hạn quy định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong 6 tháng đầu năm 2013 thị trường vàng đã dần đi vào quỹ đạo. Riêng với thị trường vàng miếng đã dần ổn định, không còn các cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp. Với việc NHNN tham gia can thiệp bình ổn thị trường vàng với vai trò là người mua, bán cuối cùng qua các phiên đấu thầu đã giúp các TCTD về cơ bản tất toán số dư huy động vàng. “NHNN đã đạt được những kết quả bước đầu của lộ trình chống “vàng hoá” trong nền kinh tế” vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Mục tiêu lớn là ổn định vĩ mô, ổn định giá trị VND

Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho rằng, những kết quả đạt được thời gian qua chỉ là bước đầu. Xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế là một quá trình lâu dài. Do đó, NHNN dự kiến sau khi các TCTD tất toán số dư huy động vàng, cung - cầu vàng trên thị trường sẽ dần ổn định do nhu cầu mua vàng để tất toán từ phía các TCTD không còn.

Giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng mà NHNN áp dụng trong thời gian qua đã tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Bởi khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều lần so với lượng ngoại tệ vẫn “chảy ra” hàng năm để nhập khẩu vàng (đặc biệt là nhập lậu) trước đây. Đồng thời, lượng ngoại tệ NHNN dùng để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua.

Thời gian tới, NHNN chỉ tham gia can thiệp thị trường vàng khi cần thiết và dự kiến sẽ triển khai việc mua vàng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây cũng có thể là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế. “NHNN nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp khác để huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế trên cơ sở ưu tiên mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị của đồng VND”, vị này cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Hiếu cho rằng, sau khi các TCTD tất toán số dư huy động vàng, NHNN chỉ nên bơm vàng ra thị trường trong trường hợp cần thiết. Trong tương lai, NHNN không thể đóng mãi vai trò người bán nữa mà cần phải đứng ở vị thế người mua vàng.

Nếu tiếp tục bán vàng ra thị trường với số lượng lớn, đồng nghĩa với việc NHNN phải bỏ ra lượng ngoại tệ khá lớn nhập vàng nguyên liệu. Nhất là trong thời điểm cuối năm nhu cầu ngoại tệ thường vào chu kỳ tăng, sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Do vậy, NHNN cần đóng hai vai sẽ vẫn đảm bảo cân bằng cung – cầu thị trường vàng, không tạo sự lệch pha cung – cầu ngoại tệ.

Song, có ý kiến băn khoăn nếu NHNN tăng mua vàng vào sẽ cung ứng một lượng tiền VND ra lưu thông, có tác động lên lạm phát? Tuy nhiên một chuyên gia nhận định: NHNN có đầy đủ các công cụ để điều tiết lượng tiền cung ứng. Chẳng hạn NHNN có thể mua vàng vào, đồng thời đẩy trái phiếu Chính phủ qua thị trường mở. Một công cụ nữa sẽ giảm được áp lực cung tiền trong lưu thông đó là NHNN có thể sử dụng dự trữ bắt buộc.

“Còn trong trường hợp tỷ giá bị tác động nhất định khi NHNN phải sử dụng nguồn ngoại tệ lớn từ việc nhập vàng nguyên liệu, thì vẫn có thể giảm thiểu áp lực bằng giải pháp điều tiết thị trường ngoại hối với các NHTM”, vị này đề xuất.

Việc tiếp tục giữ “hai vai” trong quản lý thị trường vàng tức là NHNN phải đối đầu với nhiều khó khăn, đòi hỏi sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phải đồng bộ, linh hoạt và phụ thuộc vào sự khôn ngoan của nhà quản lý. Một lần nữa, gánh nặng chính sách đa mục tiêu lại đặt lên vai của NHNN. TS. Hiếu cho rằng, thời điểm hiện nay, NHNN rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của chính sách tài khóa; hỗ trợ từ Chính phủ nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố niềm tin người dân.

Theo đó, nhu cầu tích trữ vàng của người dân sẽ không còn nhiều. Nhưng NHNN cũng phải có riêng cho mình “room” chính sách cần thiết để sử dụng linh hoạt công cụ tiền tệ. Để làm được như vậy, cần tăng tính độc lập trong điều hành chính sách của NHTW. Bởi nếu tạo áp lực điều hành chính sách, không những chính sách của NHNN sẽ giảm hiệu quả, thậm chí còn bị vô hiệu hóa.


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading