Vì sao doanh nghiệp ngoại chưa mặn mà với nông nghiệp Việt?
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút được FDI đầu tư vào nông nghiệp Nhà nước cần phải tăng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực này.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút được FDI đầu tư vào nông nghiệp Nhà nước cần phải tăng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn tới đầu tư FDI vào nông nghiệp nghèo nàn là do đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, bệnh dịch, sử dụng nguồn lực đất đai lớn. Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp có lợi nhuận thấp, tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm. Hiện nay có một thực trạng đó là DN FDI không đầu tư và sản xuất kinh doanh mà tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.
Tính đến ngày 20-5-2013, Việt Nam đã thu hút được 14.918 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký đạt 216,928 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân là 75,7 tỷ USD. Trong số này chỉ có 496 dự án được đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 3,266 tỷ USD, số vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp được giải ngân là 1,708 tỷ USD. Như vậy, nếu tính về số dự án, FDI vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 3,3%; tính về số vốn FDI đăng ký vào nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 1,5% tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam; tính số vốn giải ngân vào nông, lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm 2,2% tổng số vốn FDI giải ngân tại Việt Nam trong vòng 25 năm qua.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngay cả các DN tư nhân Việt Nam cũng ngại đầu tư vào nông nghiệp chứ không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, giá cả cũng biến động rất phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi cho phía người nuôi trồng, sản xuất. So với lợi nhuận đạt được ở các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ thì bao giờ lợi nhuận từ nông nghiệp cũng thấp hơn.
Còn một nghịch lý nữa là nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã được ban hành, triển khai nhưng hiệu quả thực tế không được như mong muốn. Đơn cử như chính sách cấp bách hỗ trợ cho chăn nuôi và thủy sản của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8-2012. Trên thực tế, số DN, hợp tác xã và người dân tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi không nhiều, những nông dân nuôi cá may mắn lắm thì tiếp cận được khoảng 30% nguồn vốn này, còn lại 70% thuộc về các DN và không loại trừ khả năng các DN lập dự án vay phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực khác…
Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng chưa toàn tâm phục vụ nông nghiệp, chưa tạo đủ vốn tín dụng cho người sản xuất nông nghiệp đã làm tăng gánh nặng về vốn tiền mặt ngắn hạn lên các DN nói chung và nhà đầu tư FDI nói riêng trong việc thu mua sản phẩm của nông dân, dẫn đến làm suy giảm động lực của họ trong đầu tư vào nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững từ cung ứng đầu vào, canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tình trạng chia cắt, tranh chấp đã tạo ra thị trường nông sản nguyên liệu không lành mạnh, mang tính phổ biến làm nản lòng các doanh nghiệp và nhà đầu tư FDI.
Bởi vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, rất cần phải có sự thay đổi về chính sách cũng như các giải pháp về tín dụng, tiền tệ… để thu hút các DN FDI đầu tư vào lĩnh vực được coi là "bệ đỡ” của nền kinh tế này.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút được FDI đầu tư vào nông nghiệp Nhà nước cần phải tăng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực này, bởi nếu vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, lạc hậu như hiện nay thì sẽ không có đủ "lực hấp dẫn” để thu hút các nhà đầu tư.
Theo D.Phương
Đại đoàn kết