Vốn rẻ chưa nhiều

Cập nhật: 2011-09-17 02:32:10

TT - Gần một tháng sau khi chương trình cho vay ưu đãi đầu tiên được triển khai, chưa nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tiếp cận được vốn rẻ do đối tượng các ngân hàng (NH) đưa ra rất chọn lọc, điều kiện cho vay không dễ.

TT - Gần một tháng sau khi chương trình cho vay ưu đãi đầu tiên được triển khai, chưa nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tiếp cận được vốn rẻ do đối tượng các ngân hàng (NH) đưa ra rất chọn lọc, điều kiện cho vay không dễ.

Phần lớn các NH chỉ chú trọng đến các DN xuất khẩu để có nguồn ngoại tệ khai thác từ đối tượng này.

Giảm nhưng vẫn còn cao

Ông Võ Tấn Thịnh, tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc - cáp điện Thịnh Phát, cho biết ngay sau khi thông tin các NH giảm lãi suất (LS) cho vay, công ty ông đã tiếp cận một số ngân hàng tìm khoản vay gần 100 tỉ đồng nhằm mua nguyên liệu sản xuất mặt hàng dây cáp điện xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN. So với mức lãi vay ngoài 20%/năm cách đây chưa lâu, khoản vay mới này được ông Thịnh tiết lộ chỉ còn 16%/năm. Theo ông Thịnh, dù chưa đạt đến mức LS kỳ vọng của DN nhưng cũng tạo động lực cho DN trở lại sản xuất kinh doanh. Ông Hồ Quỳnh Hưng, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, cho biết LS cho vay ngắn hạn tại NH BIDV hiện còn 18%/năm, giảm 4-5%/năm so với mức trước đây.

Tuy nhiên nhiều DN cho rằng LS cho vay cần phải giảm thêm. Ông Phạm Hồng Phú, tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam, cho biết hiện chi phí lãi vay chiếm khá lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất, ước 4,5-5%. Với mức LS cho vay hiện nay ở 17,8%/năm, DN chưa thể cạnh tranh với các DN nước ngoài cùng ngành nghề vì lãi vay của các DN này rất thấp.

Theo ông Uông Tiến Thịnh, giám đốc điều hành phụ trách khối tài chính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), việc các NH hạ LS sẽ tạo cơ hội rất tốt cho DN tiếp cận nguồn vốn vay mới để tái cấu trúc DN cũng như khởi động lại các kế hoạch vốn bị đình trệ từ đầu năm đến nay do lãi vay quá cao. “Có thể DN sẽ sử dụng khoản vay mới để tăng lượng hàng dệt may làm theo giá FOB - vốn đòi hỏi nhiều vốn - nhưng mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với làm gia công” - ông Thịnh chia sẻ. Cũng theo ông Thịnh, nếu mức lãi suất cho vay duy trì 17-18%/năm như hiện nay, Vinatex có thể sẽ xem xét khởi động lại các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm - vốn tạm ngưng thời gian qua do tình hình tài chính khó khăn.

Giải ngân dè dặt

Ba tuần sau khi triển khai hai chương trình ưu đãi LS, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank, cho biết đã giải ngân được 500 tỉ đồng theo chương trình tài trợ xuất khẩu bằng VND với LS 17%/năm cho khoảng 20 DN. Riêng chương trình tài trợ xuất khẩu bằng VND với LS ngoại tệ, dù LS cho vay chỉ 7%/năm nhưng đến nay chỉ một vài DN tiếp cận vì còn thăm dò biến động tỉ giá. Theo quy định của NH, nếu vay vốn theo chương trình này DN phải bán ngoại tệ thu được từ xuất khẩu cho NH theo tỉ giá được hai bên thỏa thuận tại ngày NH giải ngân.

Triển khai chương trình cho vay ưu đãi với các DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất lắp ráp ôtô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt may, da giày từ đầu tháng 8-2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết tính đến nay NH mới giải ngân được trên 300 tỉ đồng. Ông Đặng cho biết số lượng DN nộp hồ sơ vay vốn khá nhiều nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 30 hồ sơ đạt yêu cầu, số còn lại bị từ chối do phương án kinh doanh không khả thi, khả năng tài chính không đạt yêu cầu, đầu ra mơ hồ...

Ông Phan Ngọc Hòa, phó tổng giám đốc NH Việt Nam Thịnh Vượng, cho biết đến nay chưa có nhiều DN tại TP.HCM tiếp cận được vốn theo chương trình cho vay vốn lưu động với LS ưu đãi cho một số DN thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản... do đối tượng của chương trình là các DN sản xuất, trong khi đa số DN có nhu cầu vay vốn là DN kinh doanh.

Tổng giám đốc một NH thừa nhận thực tế LS cho vay với đối tượng ưu tiên đã thấp xuống, tuy nhiên không phải DN nào cũng tiếp cận được vì NH chủ yếu ưu tiên khách hàng là các DN xuất khẩu. Từ trước đến nay LS cho vay các đối tượng xuất khẩu luôn thấp hơn mặt bằng chung do NH yêu cầu các DN phải bán ngoại tệ lại cho NH.

 

ÁNH HỒNG - T.V.NGHI

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading