Xem xét nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các công ty niêm yết

Cập nhật: 2013-06-04 01:41:21

Theo VBF, nên cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% CPtrong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.

Theo VBF, nên cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% CPtrong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.
Theo nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2013, một thị trường mở thực sự không nên tồn tại sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù, các cơ quan nhà nước cũng phải kiểm soát được các lợi ích nội địa, đặc biệt là trong những doanh nghiệp nhà nước.

Nhóm công tác đề nghị một số gợi ý cho vấn đề trên như sau:

Thứ nhất, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.

Thứ hai, cần xây dựng một cơ chế để cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu trong các công ty hết “room” một cách thuận lợi, minh bạch. Bảng giao dịch riêng cho nhà đầu tư nước ngoài là một gợi ý.

Thứ ba, phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (non-voting shares) dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một điển hình áp dụng loại hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết này là Thái Lan, thông qua việc thành lập Thai NVDR Co., được sở hữu 100% bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan. Công ty này có trách nhiệm phát hành và bán các cổ phiếu không có quyền biểu quyết (Thai non-voting depository receipts) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mục đích của loại cổ phiếu này là cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…) trong các công ty nội địa nhưng đồng thời giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty.

Ông Nguyễn Đoan Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đại diện trả lời như sau: Đối với đề nghị về việc nới trần sở hữu ở một số công ty đã hết room trên sàn chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán đã đề nghị ý kiến này lên Bộ Tài chính xem xét và đang chờ quyết định cuối cùng từ phía Bộ Tài chính.

 

Về biên độ giao dịch, thanh khoản theo nhóm công tác, mặc dù giờ giao dịch đã được nới rộng nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả.

Nhóm công tác cho rằng, những biên độ này được thiết lập để bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường. Một giải pháp đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên (xuống) chạm mức trần (sàn) của biên độ giao dịch 7%-10% trên hai sàn hiện nay.

Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần hoặc sàn trước khi tạm ngừng giao dịch). Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ giúp tái lập sự ổn định cho thị trường đồng thời giảm bớt sự hạn chế của quy định tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành.

UBCK cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hoá, nâng cao thanh khoản của thị trường.

Về tái cấu trúc công ty chứng khoán, nhóm và BTC/UBCK thống nhất đánh giá rằng, hiện nay số lượng CTCK (105 công ty) là quá nhiều cho TTCK Việt Nam trong đó chỉ riêng 10 công ty dẫn đầu đã nắm hơn 50% thị phần, phần chia cho các công ty còn lại là rất nhỏ và không đủ để duy trì hoạt động cho các CTCK.

“Nhiều CTCK hiện nay gần như không hoạt động hay hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn sở hữu dẫn đến năng lực tài chính yếu kém do đó sẽ rất nguy hiểm cho nhà đầu tư khi mở tài khoản giao dịch tại những công ty này”.

Các CTCK thua lỗ lớn do các nguyên nhân chủ yếu như tự doanh, vay nợ và cho vay margin quá nhiều nhưng khả năng quản lý rủi ro kém. Do đó, Nhóm đề xuất:

BTC/UBCK cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các công ty chứng khoán nhằm giảm số lượng công ty chứng khoán, nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của CTCK, lành mạnh hóa thị trường. UBCK cần cần kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài sản của nhà đầu tư và tài sản của CTCK phải được tuân thủ nghiêm túc.

BTC/UBCK cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của CTCK nhằm đảm bảo tính an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu các quy định về trách nhiệm bồi thường, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK trong trường hợp CTCK phá sản, mất thanh khoản.

Khánh Linh

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading