Ám ảnh khủng hoảng nợ công trên thế giới

Cập nhật: 2013-05-28 01:29:49

Khủng hoảng tại Mỹ Latin, Mexico, châu Á và eurozone đều xảy ra do bùng nổ tín dụng thiếu kiểm soát, ngay sau thời kỳ tăng trưởng nhanh. Riêng khu vực châu Âu, khủng hoảng nợ đã kéo sang năm thứ 5 mà chưa có dấu hiệu kết thúc.

Khủng hoảng tại Mỹ Latin, Mexico, châu Á và eurozone đều xảy ra do bùng nổ tín dụng thiếu kiểm soát, ngay sau thời kỳ tăng trưởng nhanh. Riêng khu vực châu Âu, khủng hoảng nợ đã kéo sang năm thứ 5 mà chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai". Trong đó, báo cáo phân tích các cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latin, châu Á và châu Âu để rút ra bài học cho việc giám sát, quản lý nợ công tại Việt Nam.

Khủng hoảng nợ Mỹ Latin thập niên 80 được gọi là "Thập kỷ mất mát" và đã manh nha từ những năm 1970. Trong giai đoạn đó, Brazil, Argentina và Mexico phát triển khá mạnh, chủ yếu do vay nước ngoài quy mô lớn để nâng cấp công nghiệp trong nước và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, đến đầu thập niên 80, các nước Mỹ Latin bắt đầu gặp khó khăn trong việc trả nợ. Kinh tế thế giới suy thoái những năm 1979, 1980 đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và xuất khẩu của các nước này. Một nguyên nhân khác là các khoản vay bị sử dụng thiếu thận trọng và có liên quan đến tham nhũng. Từ giữa năm 1975-1982, các khoản nợ công của các nước Latin đối với các tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới tăng với tỷ lệ gộp hàng năm lên đến trên 20%, khiến tổng nợ vay đã tăng từ 75 tỷ USD năm 1975 lên đến hơn 315 tỷ USD năm 1983, trong đó, thanh toán lãi suất và trả vốn gốc tăng mạnh, từ 12 tỷ USD năm 1975 lên 66 tỷ USD năm 1982 (The berge 1999).

Hầu hết các tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới đều đã từ chối hoặc giảm cho vay các nước châu Mỹ Latin khác. Trong khi đó, các khoản nợ vay của chính phủ các nước lại chủ yếu là ngắn hạn và các nước gặp khó khăn trong thanh toán nợ khi các tổ chức cho vay từ chối gia hạn các khoản vay. Hàng tỷ USD nhanh chóng đến hạn thanh toán và các dòng vốn bắt đầu thoái lui khỏi các quốc gia trong khu vực và các nước không còn có thể vay thêm.

Cuộc khủng hoảng nợ tại đây bắt đầu vào tháng 8/1982 khi Mexico tuyên bố vỡ nợ. Tiếp đó là Brazil, Venezuela, Argentina và Bolivia. Trong suốt những năm đầu của khủng hoảng, tăng trưởng GDP các nước trong khu vực chỉ còn hơn 2%.

mexico-1369648977_500x0.jpg
Mexico vỡ nợ mở màn cho cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latin thập niên 80. Ảnh: CNN

Để có tiền trả nợ, họ đã cầu viện những tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Đổi lại, các nước phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng, phá giá nội tệ hay tự do hóa thương mại để cải thiện nền tài chính. Hậu quả là kinh tế tăng trưởng trì trệ, thu nhập bình quân đầu người giảm và chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Đến tận đầu thập niên 90, khủng hoảng ở Mỹ Latin mới lắng dịu.

Sau này, Mexico tiến hành tự do hóa thương mại và dần áp dụng thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, kinh tế phát triển lại đi kèm bùng nổ tín dụng thiếu kiểm soát. Tăng trưởng bắt đầu giảm sút năm 1993 và nợ xấu cũng tăng mạnh.

Năm 1994, Mexico dần phá giá đồng peso để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã mất niềm tin với nước này. Đỉnh điểm là sau tuyên bố dự trữ ngoại hối cạn kiệt và đồng peso bị thả nổi. Vốn bị rút ồ ạt đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính tại đây.

Tuy nhiên, Mỹ, IMF, WB, và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã kịp thời hỗ trợ gần 40 tỷ USD cho Mexico. Đổi lại, nước này phải thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời tư nhân hóa và tự do hóa các hoạt động kinh tế. Đến năm 1996, Mexico bắt đầu phục hồi.

Tại Đông Á và Đông Nam Á, khủng hoảng đến ngay sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nguyên nhân cũng là bùng nổ tín dụng từ các nguồn vốn từ nước ngoài được sử dụng thiếu kiểm soát khi phần lớn đổ vào bất động sản và chứng khoán.

Khủng hoảng tài chính Đông Á chính thức bắt đầu từ tháng 7/1997 với sự sụp đổ của đồng bath Thái do các dòng vốn ồ ạt rút mạnh khỏi quốc gia này. Tại thời điểm đó, Thái Lan đã có gánh nặng nợ nước ngoài lớn khiến quốc gia này lâm vào tình trạng vỡ nợ, phá sản trước khi đồng bath sụp đổ.

Hiệu ứng lan tỏa khiến nhà đầu tư phương Tây bất ngờ rút mạnh vốn, khiến tiền tệ các quốc gia khác trong khu vực lần lượt bị phá giá. Hàng loạt tập đoàn và công ty, đặc biệt về bất động sản, vỡ nợ. Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Khủng hoảng tài chính nhanh chóng chuyển sang suy thoái kinh tế trầm trọng. Đồng tiền các quốc gia bị phá giá, lạm phát gia tăng, các tổ chức tài chính và công ty phá sản, nợ xấu lên kỷ lục, tăng trưởng kinh tế suy giảm và thất nghiệp gia tăng. GDP của Indonesia giảm tới 15% trong vòng một năm, Thái Lan và Malaysia cũng giảm xấp xỉ 10%, trong khi Hàn Quốc giảm 3,8% trong quý đầu của năm 1998.

IMF đã phải khởi động chương trình cứu trợ trị giá 36 tỷ USD cuối năm 1997 để ổn định đồng tiền của các nước bị tác động mạnh nhất bởi khủng hoảng. Đổi lại, các nước thắt chặt tiền tệ, tái cấu trúc hệ thống tài chính hoặc giảm can thiệp vào kinh tế thị trường. Đến đầu năm 1999, khu vực này mới dần hồi phục.

Cuộc khủng hoảng nợ công gần đây nhất và kéo dài nhất là tại khu vực đồng euro. Khủng hoảng bắt đầu khi các thành viên eurozone không thể tự ứng phó với vấn đề mất cân bằng tài khóa trong nước. Những dấu hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công đã bắt đầu từ năm 2009. Đến tháng 11, sau khủng hoảng nợ ở Dubai, quan ngại về tình hình nợ công ở các nước châu Âu bắt đầu lớn dần lên. Dấu hiệu khủng hoảng bắt đầu rõ hơn sau khi Hy Lạp thừa nhận (vào tháng 12) tổng dư nợ lên tới 300 tỷ euro (tương đương 113% GDP), dù bác bỏ việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ này. Đến nay, cuộc khủng hoảng đã kéo dài sang năm thứ 5 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Hy-lap-1369648586_500x0.jpg
Hy Lạp là nước đầu tiên tại eurozone phải xin cứu trợ tài chính. Ảnh: Market Watch

Theo giới phân tích, khủng hoảng diễn ra ngay sau giai đoạn bùng nổ tín dụng, lãi suất cho trích lập rủi ro thấp, dư thừa thanh khoản, đòn bẩy tài chính cao và bong bóng bất động sản. Một nguyên nhân khác là tăng chi hoặc giảm thu ngân sách thiếu kiểm soát của các Chính phủ. Xét rộng hơn, việc này còn do chính sách tài khóa của các nước chưa hài hòa và cơ chế phối hợp ứng phó còn bất đồng.

Cuộc khủng hoảng đã làm tổn thất hàng nghìn tỷ USD thu nhập tài chính của các nước thành viên EU, do đồng euro liên tục mất giá. Ngày 4/5, Ủy ban châu Âu (EC) dự đoán GDP eurozone sẽ giảm 0,4% năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực cũng lên cao kỷ lục trong tháng ba với 12,1%. Nợ công eurozone đạt 8.600 tỷ euro năm ngoái, tương đương 90% GDP.

Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó ở châu Âu mới chỉ thiên về chống chọi với khó khăn tài chính trước mắt ở các quốc gia, nhằm tránh tác động lây lan ở cả khu vực. Từ năm 2009, các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Ireland và Hy Lạp đã phải thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách.

Dù vậy, tình hình tại đây vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Đến nay, 5 nước đã phải xin cứu trợ tài chính là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và Síp. Nghiêm trọng hơn, khủng hoảng cũng đang lan từ các nước vùng rìa châu Âu sang các nền kinh tế mạnh ở vùng lõi như Đức và Pháp.

Từ phân tích trên, các tác giả báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương laicho rằng Việt Nam cần thận trọng trong vay nợ Chính phủ, có cơ chế giám sát tài chính để kiểm soát tín dụng công ty tư nhân và vay tư nhân được Chính phủ bảo lãnh. Tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tài chính ngân hàng, sẽ tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cũng phải đủ lớn để chống đầu cơ tiền tệ.

Riêng về đầu tư công, báo cáo cho rằng Việt Nam cần tránh lãng phí để giảm thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó là minh bạch thông tin liên quan đến chi tiêu và đầu tư công. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào yếu tố này.

Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tài khóa và tiền tệ, cũng cần được phối hợp thực hiện. Việt Nam sẽ phải tăng cường hợp tác với các nước để bảo đảm an ninh tài chính trong khu vực.


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading