Bộ trưởng Nông nghiệp lý giải về sản lượng lúa tăng, giá lúa giảm

Cập nhật: 2013-06-28 01:30:35

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát cho biết, giá lúa gạo vụ mùa hè thu vừa qua, người nông dân may mắn lắm thì lãi vài trăm đồng/kg, thậm chí lỗ. Điều này đang đặt ra vấn đề phải trồng xen các loại cây trồng khác đảm bảo nguồn thu cho người nông dân.

Thông tin trên được đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 được tổ chức vào chiều nay (27/6).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua. Các doanh nghiệp và hộ nông dân đều không có đầu ra bởi chất lượng lúa vụ hè thu rất thấp, ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng và thiếu nước.

“Những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà phải bơm nước nhiều để tưới tiêu thì trồng lúa chưa chắc đã có lãi, trồng lúa để làm gì?,” Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận.

Nhằm hạn chế tình trạng thừa lúa gạo, giá xuống thấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, các vùng và hộ nông dân nên chuyển sang trồng cây khác có giá thành sản phẩm cao, thị trường xuất khẩu mở rộng.

Đưa ra dẫn chứng, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện tại, trên thị trường, giá các loại ngô đều lãi tới 7.000 đồng/kg, sản lượng nhập khẩu 1,2 triệu tấn. Vì thế, các hộ nông dân có thể chuyển sang trồng ngô để đảm bảo lợi nhuận và năng suất cao, đầu ra sản phẩm luôn được đáp ứng.

Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán đầu ra và tránh thiệt hại cho người nông dân ở vụ lúa hè thu vừa qua, tại phiên họp này, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị, ngay từ thu đông, các địa phương phải điều chỉnh quyết liệt về cơ cấu cây nông nghiệp, chuyển sang giống chất lượng tốt hơn, tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp.

“Các chính quyền địa phương nên hướng dẫn các chính sách, đường lối, phương thức giống cây trồng. Hiện nay, phần đa hộ nông dân chỉ toàn làm theo ý mình,” Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lúa gạo đã được xây dựng thành Đề án phát triển sản phẩm chiến lược tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ vụ đông xuân tới đây sẽ điều chỉnh cơ cấu cây trồng.

Đề cập đến vấn đề quản lý đất lúa, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn cho nhân dân giữ đất lúa trồng xen canh cây để có thu nhập cao. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý, các địa phương phải thận trọng trong việc giữ đất trồng lúa vì báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước đã có tới 44.000 ha đất cây lúa chuyển đổi (bằng nửa diện tích đất lúa tỉnh Thái Bình) chỉ trong vòng 2 năm (2011 – 2012).

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tiến hành tái canh cây cà phê tại các vùng tập trung diện tích cây trồng lớn để đảm bảo sản lượng.

Lý giải rõ hơn điều này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, theo thống kê, nước ta có 600.000 ha cây cà phê nhưng có tới 150.000 ha đến tuổi thay thế vì diện tích những cây này được trồng từ năm 80 của thế kỷ trước.

“Nếu không thay thế thì sản lượng cà phê sẽ giảm. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp, mỗi năm, nước ta cần thay thế 20.000 ha cây cà phê để duy trì thế mạnh sản phẩm vốn có,” Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm.

Liên quan đến việc chống hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực miền Trung, thiệt hại do giống lúa PC 15 bởi tác động của thời tiết, Bộ trưởng cho rằng các Bộ, ban ngành cần phải tạo ứng vốn đẩy nhanh thi công công trình thủy lợi đáp ứng cấp thiết các yêu cầu chống hạn./.

Theo P.V


Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading