Cà phê Việt: Doanh nghiệp nội ngậm đắng
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khuyến cáo: Hiện nay, riêng 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Như vậy, hàng tỷ USD đã chảy vào túi “người ngoài”.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khuyến cáo: Hiện nay, riêng 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Như vậy, hàng tỷ USD đã chảy vào túi “người ngoài”.
Cuối tháng 7, trang web www.rfi.fr dẫn bài báo đăng trên tờ Les Echos với tựa đề: “Việt Nam làm thay đổi bản đồ thị trường cà phê thế giới”, khẳng định: Tương lai đối với ngành cà phê Việt Nam tương đối tươi sáng. Việt Nam hiện đứng số một thế giới về cà phê Robusta.
Thế nhưng, gần đây, trong nước có nhiều cảnh báo: “Cà phê Việt Nam đang hấp hối” hoặc “Ngành cà phê đứng bên bờ vực phá sản”, nhiều doanh nghiệp cà phê đầu tư lớn nhưng hiện nay tổng lượng tồn kho khoảng 200.000 tấn, lại bị ngân hàng phong tỏa tài sản, nguy cơ thua lỗ rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiến nghị với Bộ Tài chính về cơ chế hỗ trợ một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó có cà phê...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 1,257 triệu tấn cà phê, trị giá trên 2,752 tỷ USD; năm 2012 xuất 1,732 triệu tấn (gần 3,673 tỷ USD); từ đầu năm đến ngày 15/7/2013 xuất 838.867 tấn (gần 1,797 tỷ USD). Chỉ nhìn thuần túy những con số, không ai có thể nghĩ ngành cà phê đang “đắng ngắt”. Nhưng tìm hiểu sâu chuyện “trong nhà”, nhiều người sẽ có cái nhìn khác. Từ nhiều năm qua, thị trường cà phê Việt Nam đã và đang chứng kiến “cuộc chiến sinh tử” giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Và, phần thắng luôn nghiêng về doanh nghiệp FDI.
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp nội thua lỗ, phá sản hàng, thì các doanh nghiệp FDI lớn mạnh lạ thường trong “nhà khách”. Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) khuyến cáo: Hiện nay, riêng 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Như vậy, hàng tỷ USD đã chảy vào túi “người ngoài”. Và nữa, trong tương lai gần, một khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, họ sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn.
Sự chênh lệch thế và lực quá rõ: Ngoài tiềm lực tài chính mạnh, vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với lãi suất thấp, doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam được ưu đãi về thuế... Còn doanh nghiệp nội, mấy năm trước vay vốn với lãi suất cao, trên 20%/năm giai đoạn 2011- đầu 2012, đến nay mới “ngấm đòn”, thua lỗ, nợ xấu đầm đìa, đứng trước nguy cơ phá sản!
Chưa hết, gần đây các hãng Nestlé, Mondelez International... đang hăm hở rót vốn vào Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê, đầu tư vùng nguyên liệu, áp lực cạnh tranh càng lớn.
Một nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới mà ngành cà phê “hấp hối”, doanh nghiệp không làm chủ được ngay trong nhà mình, chuyện thật khó tin dù đó là... sự thật!
Theo Trần Phương