Cần “bà đỡ” chuyển giao công nghệ
SGTT.VN - Thị trường chuyển giao công nghệ, cả cung và cầu đều lớn nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có được một chợ công nghệ đúng nghĩa hoạt động chuyên nghiệp, khiến cho cả nhà đầu tư lẫn nhà nghiên cứu chịu thiệt.
SGTT.VN - Thị trường chuyển giao công nghệ, cả cung và cầu đều lớn nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có được một chợ công nghệ đúng nghĩa hoạt động chuyên nghiệp, khiến cho cả nhà đầu tư lẫn nhà nghiên cứu chịu thiệt.
Theo khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học công nghệ, hơn 70% thiết bị doanh nghiệp đang sử dụng là từ nguồn nhập khẩu. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ nhưng không dễ thực hiện. Ngoài năng lực tài chính thì họ bị hạn chế về năng lực ứng dụng, khả năng tiếp cận và đầu tư cái mới. Doanh nghiệp nào cũng lúng túng về t hông tin công nghệ và chưa đủ năng lực để đánh giá, định giá công nghệ lẫn các yếu tố về thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Đông, chủ cơ sở sơ chế bã mía xuất khẩu ở Tây Ninh, cuối tuần rồi đến TP.HCM tham gia hội thảo công nghệ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc để tìm xem thiết bị nghiền sấy đồng thời bã mía mà ông nghe đồn rất tiện ích để thay hai cái máy riêng lẻ mua của Đài Loan từ mười năm nay. Các đối tác Hàn Quốc lần này không trình diễn loại thiết bị này, nhưng ông lại tiếp xúc được với đại diện một trung tâm nghiên cứu tại TP.HCM và “đặt hàng theo nhu cầu” vì đây là thiết bị rất đơn giản và có mức đầu tư thấp.
Ông Deok Keun Lee, giám đốc trung tâm Chuyển giao công nghệ thuộc viện Công nghệ Hàn Quốc, chia sẻ tại hội thảo rằng một chuỗi giá trị công nghệ đi từ nghiên cứu cơ bản – chuyển hoá thành sản phẩm – xác định tài sản tri thức – thương nghiệp hoá, là một quá trình phức tạp và nhiều rủi ro. Vì thế ở các thị trường mà các ngành sản xuất còn hàm lượng công nghệ thấp, các DNVVN thường mua thiết bị công nghệ như bất kỳ một sản phẩm nào trên thị trường, rủi ro là chuyện đương nhiên vì công nghệ vốn là sản phẩm đặc thù.
“Bà đỡ” cho DNVVN theo ông Deok Keun Lee là cần các khảo sát thị trường chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp cụ thể, để các tổ chức hỗ trợ cải tiến công nghệ có thể hoạt động song song với một chiến lược xúc tiến thị trường công nghệ một cách có hiệu quả. Ở những thị trường phát triển cao hơn, còn có cả luật xúc tiến chuyển giao kinh doanh tư nhân về các thành quả nghiên cứu của trường đại học; thiết lập quỹ đầu tư công nghệ chính phủ dành cho DNVVN và các tổ chức chuyên môn. Ban đầu thường là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung, đến hỗ trợ theo ngành và tiếp đến là chiến lược hỗ trợ riêng biệt cho từng doanh nghiệp có khả năng bứt phá trên thị trường.
Theo ông Kim Dong Sun, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường lớn với đánh giá của các tổ chức quốc tế là 90% doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu công nghệ; 80% doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Các nhà cung cứng công nghệ nhìn thấy đây là nơi có động lực mạnh mẽ nhưng khó để tham gia bài bản. Ở đâu cũng vậy, doanh nghiệp nhỏ thiếu tiền để đổi mới hệ thống sản xuất và cạnh tranh trên thị trường. Các hỗ trợ của chính phủ luôn cần thiết với khung tài chính phù hợp nhưng phải đi liền với chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ và các chương trình đào tạo trọng điểm để doanh nghiệp nắm bắt về thể chế, giảm thiểu quy trình đầu tư... Đó chính là các yếu tố then chốt giúp giải quyết sự bế tắc của tình trạng chuyển giao công nghệ tự phát mang nhiều rủi ro cho doanh nghiệp...
Hoàng Duy