Cần siết tín dụng ngoại tệ
Kịch bản áp lực tỉ giá cuối năm 2010 có thể lặp lại với cường độ mạnh hơn nếu không “phanh” gấp tín dụng ngoại tệ từ bây giờ. Thứ Ba, 26/07/2011 23:25
Kịch bản áp lực tỉ giá cuối năm 2010 có thể lặp lại với cường độ mạnh hơn nếu không “phanh” gấp tín dụng ngoại tệ từ bây giờ
Theo Cục Thống kê TPHCM, đến cuối tháng 6-2011, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP ước đạt 756.000 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 229.000 tỉ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm 2010. Chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD là nguyên nhân chính khiến tín dụng ngoại tệ tăng mạnh vài tháng qua.
Chênh lệch lớn
Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu cho biết do thuộc diện được vay USD nên chuyện lãi suất đối với công ty ông khá “dễ thở”. Tương tự, khi được hỏi về áp lực lãi suất VNĐ tăng cao gây khó khăn cho DN, phó tổng giám đốc một DN chuyên sản xuất thực phẩm xuất khẩu trả lời: “Chúng tôi vay bằng USD mà, lãi suất thấp lại có nguồn trả nên không căng thẳng về vốn”.
Trong khi đó, quy định về trần lãi suất tiền gửi USD 2%/năm, thông tư yêu cầu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng… đã giúp lượng ngoại tệ chảy vào ngân hàng (NH) khá dồi dào. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ lại thả nổi khiến các NH có thể áp dụng lãi suất bình quân 6%-8%/năm chưa kể phí và cũng không bị hạn chế mức tăng trưởng tín dụng. Lợi nhuận thu được từ USD cao khiến các NH “hào hứng” cho vay.
Không nên thả lỏng
“Nhập siêu năm 2011 có thể lên tới 15-16 tỉ USD và cán cân thanh toán có thể thâm hụt 1-2 tỉ USD chứ không lạc quan như nhiều người nghĩ” – TS Phạm Đỗ Chí quan ngại.