Dãn, giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp

Cập nhật: 2012-05-02 02:18:03

Chính phủ chấp nhận thu ít hơn để nuôi dưỡng nguồn thu, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn

Chính phủ chấp nhận thu ít hơn để nuôi dưỡng nguồn thu, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính về trợ giúp doanh nghiệp (DN) hiện đang tổng hợp, phân tích “tình hình sức khỏe” của DN để sớm đưa ra những giải pháp tài chính hỗ trợ sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Dự kiến từ giữa quý II, nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ sẽ được đưa ra.

Dưỡng để nuôi nguồn thu

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách quý I/2012 ước đạt trên 136.900 tỉ đồng, bằng 18,5% dự toán năm. Đây là mức thu thấp vì nhiều năm trước, thu ngân sách quý I thường đạt 20% - 22% tổng dự toán cả năm. Ngân sách giảm thu do đang thực hiện việc dãn, giảm thuế cho DN và do nhiều DN khó khăn tăng lên (với 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể, 9.700 DN đã gửi thông báo ngừng hoạt động, ngừng đóng thuế đến cơ quan thuế).
Cho dù trong số DN xin giải thể và DN thông báo ngừng hoạt động, ngừng đóng thuế không phải đều là DN “chết”, trong đó có rất nhiều DN đã tự tái cấu trúc, ngừng hoạt động để chuyển đổi sang lĩnh vực khác, song điều đó cũng chứng tỏ DN rất khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết năm nay Chính phủ chấp nhận thu ít hơn nhằm tìm giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn để nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 42/TT-BTC về việc tiếp tục dãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN quý I và quý II/2011 cho DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản thêm 3 tháng nữa. Theo đó, thuế quý I/2011 được lùi thời hạn nộp chậm nhất đến ngày 30-7.
Thuế của quý II/2011 được lùi đến 30-10-2012. Có khoảng hơn 160.000 DN được dãn nộp thuế với số tiền thuế hơn 10.000 tỉ đồng. Các chủ hộ sản xuất nhỏ cũng được dãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong điều kiện tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, lãi suất vẫn còn cao thì đây được xem như một khoản vốn đáng kể hỗ trợ DN.

Tăng cường kiểm soát giá

Nhiều loại hàng nhập khẩu được giảm thuế để giúp DN giảm chi phí đầu vào như gas, xăng dầu… Ngược lại, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhiều mặt hàng hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất trong nước. Trước đó, bộ đã có hướng dẫn mới về thuế GTGT, theo đó, mở rộng đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0%. Các tổ chức kinh tế hoạt động trong các ngành sản xuất đã được giảm 50% tiền thuê đất…

Để hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tăng sức tiêu thụ, cơ chế DN tự định giá đã được áp dụng với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế như: hàng nông, lâm, thủy sản; hàng tiêu dùng; hàng tư liệu sản xuất và vật liệu xây dựng…
Với các DN, những giải pháp này vẫn là chưa đủ. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận xét: “Chỉ DN còn đủ sức nộp thuế mới được hưởng chính sách dãn, giảm thuế; vì vậy cần những chính sách căn cơ hơn và những giải pháp bền vững hơn”. Bà Lan đề xuất nên tính đến giảm thuế suất thuế thu nhập DN, giảm thực hiện thủ tục hành chính… Đó cũng là đề xuất của nhiều DN hiện nay.

Không hỗ trợ tràn lan

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết bộ đã thành lập tổ công tác điều tra, đánh giá tình hình DN, xem DN hoạt động trong lĩnh vực nào, gặp khó khăn gì; phải có số liệu, có cơ sở khoa học mới có thể đánh giá một cách khách quan.
Khi đó mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp để giúp DN vượt qua khó khăn. Ông Huệ cũng nhấn mạnh, để hỗ trợ DN hiệu quả thì phải hỗ trợ đúng địa chỉ, không thể hỗ trợ tràn lan.
Hà Linh
Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading