Điện thoại cố định nguy cơ khai tử
Lượng thuê bao cố định liên tục sụt giảm khiến ngay cả lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải cho rằng khó "cứu" một công nghệ lạc hậu khi có nhiều sản phẩm tiện ích hơn thay thế.
Lượng thuê bao cố định liên tục sụt giảm khiến ngay cả lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải cho rằng khó "cứu" một công nghệ lạc hậu khi có nhiều sản phẩm tiện ích hơn thay thế.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng thuê bao cả nước ước đạt 135,9 triệu, trong đó thuê bao cố định chỉ là 15,2 triệu. Trong khi số thuê bao di động (hiện cao gấp 1,5 lần dân số) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2011, thì mảng cố định giảm 1,8%.
Đầu năm nay, thuê bao cố định đạt 15,5 triệu, đến tháng 2 giảm còn 15,3 triệu và từ tháng 5 con số này là 15,2 triệu, mặc dù mỗi tháng các hãng vẫn thu hút 2.200-3.500 thuê bao đăng ký mới. "Khách hàng hòa mạng không nhiều bằng thuê bao rời bỏ dịch vụ", một chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhận định.
Sau 6 tháng, cả nước có 13.700 khách đăng ký mới nhưng có đến 300.000 người rời bỏ dịch vụ. Thêm đó, lượng tăng trưởng thuê bao cố định mới hằng tháng cũng sụt giảm. Điển hình, tháng một năm nay chỉ có thêm 2.200 đăng ký, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2011.
Không hoàn toàn trùng khớp về số liệu thống kê song báo cáo mới đây của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy lượng thuê bao cố định còn quá ít. Cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng của Việt Nam đạt 132,8 triệu. Trong đó, di động là 122,79 triệu, chiếm tới 92,5%, cố định chỉ còn khoảng 10 triệu với 7,5%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông dự báo với đà giảm liên tục như vậy, thuê bao cố định sẽ dần vắng bóng trên thị trường viễn thông. Chương trình ưu đãi, kích cầu cho dịch vụ này gần như không có, trong khi nhà mạng đổ cả núi tiền kích cầu di động hay 3G, nên khả năng sống và phát triển càng khó.
Lần ưu đãi gần nhất với dịch vụ cố định là điện thoại bàn gọi không giới hạn đến thuê bao MobiFone, VinaPhone của VNPT. Xa hơn có thể nói đến lần đồng loạt giảm cước thuê bao cố định từ 30.000 đồng xuống 20.000 đồng mỗi tháng.
Song tần suất khuyến mãi dành cho dịch vụ này khá khiêm tốn so với những chương trình kích cầu thuê bao di động. "Lượng thuê bao ngày càng ít, doanh thu không lớn cũng có thể là lý do khiến các nhà mạng kém mặn mà. Độ tiện ích của điện thoại di động cũng vượt trội nên được khách hàng chọn nhiều hơn cũng dễ hiểu", ông nói.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho rằng, điện thoại cố định dần bị thay thế là điều khó cưỡng lại. Bởi khi công nghệ ngày càng phát triển, tất yếu dẫn đến sự thanh lọc, thay mới dịch vụ.
"Trước, chúng ta chủ yếu kết nối Internet bằng công nghệ dial up nhưng giờ hầu hết sử dụng ADSL, 3G vì tốc độ nhanh hơn, tiện hơn. Không thể ép khách hàng dùng cái lỗi thời trong khi dịch vụ di động ngày càng rẻ và tiện ích", ông Thắng nói. Thứ trưởng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải cung cấp thứ xã hội cần chứ không phải điều mình có.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định dịch vụ cố định vẫn phải được duy trì để đảm bảo lợi ích của nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng như nông dân nghèo, người vùng sâu vùng xa hay công ty, các doanh nghiệp... Dù lợi nhuận thấp song mỗi năm, Nhà nước vẫn trích hàng tỷ đồng từ quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ mạng điện thoại cố đinh.
Xuân Ngọc