Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng để kiềm chế lạm phát
Tại cuộc hội thảo "Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ và những khuyến nghị” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định: Mặc dù các doanh nghiệp mong muốn lãi suất tiếp tục giảm thêm nhưng nhìn vào những chỉ số vĩ mô cho thấy dư địa cho các nhà làm chính sách gần như không còn... Ngân hàng nhà nước sẽ vẫn phải kiên trì điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tại cuộc hội thảo "Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ và những khuyến nghị” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định: Mặc dù các doanh nghiệp mong muốn lãi suất tiếp tục giảm thêm nhưng nhìn vào những chỉ số vĩ mô cho thấy dư địa cho các nhà làm chính sách gần như không còn... Ngân hàng nhà nước sẽ vẫn phải kiên trì điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tín dụng tăng trưởng thấp
Theo bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của nền kinh tế đã tăng trở lại 3,3% so với cuối năm 2011, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm.
Cùng với mức tăng trưởng trên, cơ cấu tín dụng cũng được chuyển đổi, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng xuất khẩu tăng cao nhất, đạt mức 10,76%, tiếp đến là tín dụng nông thôn. Tuy nhiên, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế bởi khả năng thích ứng của đối tượng doanh nghiệp này với nền kinh tế còn kém.
Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua, nhất là 5 tháng đầu năm liên tục âm, bà Nhung cho rằng: Tín dụng tăng thấp do lực cầu yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, đồng thời nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp lớn nhưng huy động trung và dài hạn khó khăn.
Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cao dẫn đến ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, hồ sơ vay vốn cũng phải thẩm định kỹ lưỡng hơn nên phần nào ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng. Ngoài ra, khả năng quản trị của doanh nghiệp thấp nên không đủ đứng vững trước khó khăn, dẫn tới sử dụng vốn không tốt. Thị trường bất động sản còn nhiều bất cập trong chính sách, phân khúc nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức... cũng ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trưởng tín dụng chung.
Khó giảm lãi suất do lo ngại lạm phát
Từ nay đến cuối năm, sức ép giảm lãi suất và mở rộng tín dụng rất lớn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng không còn dư địa để giảm lãi suất. Bởi ngoài những yếu tố bất thường như về giá, tín dụng... thì vấn đề lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia: Lạm phát lõi thấp nhất khoảng 0,8% mỗi tháng và leo dần lên 0,85% chứng tỏ khả năng lạm phát lõi có nguy cơ tăng trở lại và ở mức khá cao. Lạm phát lõi hoàn toàn do cung ứng tiền, vì vậy không thể mở rộng cung ứng tiền tệ nhanh vào lúc này. Cách NHNN bơm, hút tín dụng trong 10 tháng qua rất thận trọng, cảnh giác với lạm phát dù chịu sức ép lớn về tăng trưỏng kinh tế của Chính phủ, doanh nghiệp. “Thời điểm này, chính sách tiền tệ cần kiên trì hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu để khơi thông nguồn tín dụng và kích thích kinh tế tăng trưởng”, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Nhung cho biết, trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ kiên trì những chính sách đã đề ra trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức; giám sát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tổ chức tín dụng. Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt thì xem xét cho phép mở rộng tín dụng nhưng thận trọng để đảm bảo chất lượng tín dụng, đồng thời hạn chế cung tiền đột biến. NHNN cũng sẽ giám sát chặt chẽ lãi suất, đảm bảo lãi suất không tăng trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, NHNN sẽ cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu.
Tuy nhiên, để tháo gỡ các nút thắt trong tăng trưởng tín dụng, bà Nhung cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống. Hiện NHNN kiến nghị các bộ ngành cùng tháo gỡ vấn đề này, trong đó kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho; Bộ Tài chính đẩy nhanh cho phép bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn NHTM; Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với riêng thị trường bất động sản, NHNN đề xuất có chính sách cho vay đối với người thu nhập thấp.
Xuân Hương