Doanh nghiệp FDI ngại mở rộng đầu tư cho công nghiệp VN
Khảo sát của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho thấy chỉ có 8% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Khảo sát của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho thấy chỉ có 8% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
> Hơn 100 doanh nghiệp FDI giả lỗ để trốn thuế
UNIDO, Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa hoàn thành Báo cáo sơ bộ về Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam 2010. Mặc dù cơ quan nghiên cứu cho biết đây mới chỉ là những kết quả “thô” và báo cáo chi tiết sẽ được công bố vào cuối năm nay nhưng những kết quả đầu tiên cũng phần nào cho thấy bức tranh sơ lược về tình hình đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
Về hiệu quả kinh doanh, điều tra trên gần 1.500 doanh nghiệp (57% là doanh nghiệp FDI) cho thấy các doanh nghiệp “ngoại” hiện có tỷ suất lợi nhuận trước thuế khoảng 7,6% (mức trung bình trong vòng 3 năm qua). Con số này đối với khu vực doanh nghiệp đầu tư trong nước (DI) là 6,7%. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn cải thiện con số này trong những năm tới. Con số kỳ vọng của doanh nghiệp FDI là 9% và 7,8% đối với các doanh nghiệp nội.
So với kế hoạch, doanh nghiệp FDI cho biết họ thường đạt được mục tiêu trong vòng 3 năm qua trong khi các công ty nội địa tỏ ra lạc quan hơn và thường vượt kế hoạch. Theo UNIDO, con số này cho thấy công tác dự báo thị trường của các doanh nghiệp FDI là tốt hơn.
Là một trong những khảo sát hiếm hoi chỉ ra độ tuổi trung bình của máy móc, thiết bị đang được sử dụng tại các doanh nghiệp, báo cáo xác định con số trung bình là khoảng 10 năm đối với cả doanh nghiệp FDI và DI. Tuy nhiên, ngay cả với thời gian dài như vậy, hầu hết các đơn vị sản xuất đều chưa sử dụng hết công suất máy móc. Hiệu suất sử dụng thiết bị đối với nhóm FDI là 86% trong khi con số trung bình của các doanh nghiệp nội là 84%.
Theo nghiên cứu của UNIDO, động lực chính thôi thúc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghiệp Việt Nam là khai thác thị trường và nguồn nhân công rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ dần nhận ra những khó khăn về trình độ nhân lực trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa phần nào bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế.
UNIDO cho rằng quá trình tăng lương phải đi kèm với tăng năng suất lao động. Ảnh: NYTimes |
“Có những lợi thế cách đây 5 năm nhưng bây giờ chưa chắc đã còn đối với Việt Nam”, Tiến sĩ Brian Portelli, chuyên gia của UNIDO nhận định.
Thực tế này chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư trong những năm qua khi 400 doanh nghiệp FDI và 360 doanh nghiệp DI trong số gần 1.500 được điều tra vẫn thực hiện những khoản đầu tư lớn. Tuy nhiên chỉ có 8% trong số các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho biết có ý định mở rộng đầu tư trong vòng 3 năm tới. Con số tương ứng với doanh nghiệp nội là 30%.
Một vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập trong bản khảo sát của UNIDO là lương của người lao động liên tục tăng trong những năm qua. Khẳng định việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên là cần thiết nhưng tổ chức của Liên hợp quốc cũng khuyến cáo cơ quan quản lý cần có biện pháp để việc tăng lương đi kèm với chất lượng và năng suất lao động.
Ở khía cạnh tích cực, báo cáo cho thấy các doanh nghiệp FDI tỏ ra phấn khởi với những cải thiện về chất lượng hạ tầng, tính ổn định của nền kinh tế cũng như các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm thông thông tin về môi trường kinh doanh từ các doanh nghiệp đồng hương đang hoạt động tại Việt Nam (60%) trong khi lượng tìm kiếm qua các kênh chính thống thấp đến ngạc nhiên (2% thông qua các đại diện ngoại giao, 6% qua các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư).
“Thực tế này cho thấy các cơ quan xúc tiến đầu tư cần nhìn nhận lại mình, biết mình đang ở đâu. Cần có những thay đổi để giúp Việt Nam chuyển từ thu hút đầu tư thiên về số lượng sang chất lượng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu trong lễ công bố báo cáo sơ bộ chiều 23/9.
Cũng tại báo cáo này, cơ quan nghiên cứu cũng ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp tại Việt Nam đang xúc tiến các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 12 doanh nghiệp FDI và 10 doanh nghiệp trong nước). Theo UNIDO, xu hướng này cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đã phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, nó cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn FDI có thể dịch chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Nhật Minh