‘Doanh nghiệp xăng dầu cứ kêu lỗ là bị phản đối
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp dầu sợ bị phản đối nên lỗ cũng không dám kêu. Vinpa đề xuất cần cố định thuế nhập khẩu tránh giá bán lẻ bị “tác động một cách khó hiểu”.
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp dầu sợ bị phản đối nên lỗ cũng không dám kêu. Vinpa đề xuất cần cố định thuế nhập khẩu tránh giá bán lẻ bị “tác động một cách khó hiểu”.
Tại hội thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sáng 17/5, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp đánh giá, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động có thời điểm giá lên tới 5-6 đôla mỗi thùng và chỉ cần “sáng mở mắt ra, giá đã khác”, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Theo ông Dũng, trong quý I, hầu như tất cả doanh nghiệp xăng dầu đều lỗ mặc dù được sử dụng Quỹ Bình ổn.
“Ngoại trừ năm 2009 không lỗ, từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp tôi lỗ lũy kế tới 780 tỷ đồng. Lãi vay ngân hàng của công ty hiện lên tới 90 tỷ đồng”, ông nói.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, kinh doanh xăng dầu như ma trận và không khác gì đánh bạc vì có quá nhiều biến số như Quỹ Bình ổn, thuế, giá cơ sở… Do đặt nặng vấn đề bình ổn, doanh nghiệp mất đi tính tự chủ. Doanh nghiệp xăng dầu chịu sức ép dư luận quá lớn, thậm chí còn bị coi như… tội đồ. Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho hay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn , doanh nghiệp xăng dầu cũng gặp không ít rào cản nhưng “cứ kêu lỗ là bị phản đối”. “Người ta cứ nghĩ những doanh nghiệp lớn là cái gì đó to tát lắm”, ông Ruệ chia sẻ.
Doanh nghiệp xăng dầu khổ vì "người ngoài bức xúc, người trong khóc thầm". Ảnh: Anh Quân |
Chủ trương giá xăng dầu dần theo cơ chế thị trường nhưng thực tế từ tháng 8 năm ngoái đến nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu vẫn do Bộ Tài chính quyết định. Do đó, doanh nghiệp cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 84 cần phải đảm bảo không can thiệp quá sâu vào thuế phí và tránh cơ chế xin cho để tạo cơ chế thị trường thực sự. Theo ông Phan Thuế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội xăng dầu VN, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thường xuyên dẫn đến giá xăng dầu bị “tác động một cách khó hiểu”. Do đó, cần ổn định thuế trong vòng một năm. Mức thuế này có thể dưới 40% để tránh vi phạm cam kết của WTO
“Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và Singapore cũng áp thuế ổn định. Thuế cố định, doanh nghiệp có thể quyết định giá minh bạch hơn và hải quan cũng không phải lo doanh nghiệp trốn thuế”, ông Ruệ thẳng thắn.
Doanh nghiệp cho rằng, điều hành bất cập nhất của xăng dầu hiện nay là không theo giá thế giới. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dẫn chứng, khi giá thế giới xuống thì giá trong nước lên, khi lên vừa vừa thì trong nước lên cao, khi giá thế giới xuống mạnh, trong nước lại giảm nhỏ giọt. “Đây là điều mà nếu không phải trong nghề, không ai hiểu được”, ông Bảo nói.
Chủ tịch Petrolimex giải thích bất cập là do Nhà nước đã sử dụng các công cụ như Quỹ bình ổn và thuế để kiềm tăng giá. Khi các công cụ sử dụng hết, giá phải lùi vào chân tường thì liên bộ lại bắt đầu tăng giá. Mức tăng này lại trùng với thời điểm giá thế giới quay đầu giảm”, ông Bảo chia sẻ.
Chủ trương điều hành xăng dầu là tiệm cận thị trường nhưng 10 năm nay, qua một loạt các quy định như Quyết định 187, Nghị định 55, Nghị định 84 vẫn chưa thực hiện được. “Trung bình cứ 2-3 năm chúng ta sửa đổi nghị định một lần nhưng nếu không nghiêm túc, quy định mới lại tiếp tục phải sửa”, ông Bảo nhìn nhận.
Tại hội thảo, số đông doanh nghiệp cho rằng, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên là 10 ngày thay vì 15 ngày như dự thảo để bắt kịp sự biến động của tình hình thế giới. Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho rằng, mỗi lần tăng giá, xăng dầu “sợ nhất CPI”. Tuy nhiên, nếu giá thế giới chỉ cần biến động 5% cũng điều chỉnh thì giá xăng dầu sẽ không ảnh hưởng đến CPI. “Trường hợp kìm nén tăng giá, sau khi hết công cụ kiềm giá thì để bùng phát như năm 2008, tăng giá đến 4.000 đồng mỗi lít xăng thì chắc chắn CPI sẽ bị ảnh hưởng”, ông Ruệ nói.
Phương án của Bộ Công Thương cũng được nhiều bên tán thành, tuy nhiên số đông ý kiến cho rằng, doanh nghiệp chỉ được phép điều chỉnh trong phạm vi 3% thay vì 5% như dự thảo. Nhà nước cần xem xét lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu.
Chia sẻ khó khăn nêu trên, Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp xăng dầu nhiều lúc khổ vì "người ngoài bức xúc, người trong khóc thầm”.
Nghị định 84 ra đời trong lúc kinh tế nóng lạnh làm giá xăng dầu thế giới chao đảo dẫn đến luồng dư luận phản ánh trái chiều như câu chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp. “Những nội dung sửa đổi chủ yếu sẽ kiên quyết thị trường hóa xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước”, ông Quyền khẳng định.
Cũng theo ông Quyền, để tránh trường hợp giá xăng dầu biến động nhanh nên Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá trong khoảng 15 ngày. Vụ thị trường trong nước cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Hoàng Lan