Doanh nghiệp xi măng: Tiêu thụ giảm dần, nợ nần căng thẳng
Báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình sản xuất, tiêu thụ và đầu tư xi măng bảy tháng đầu năm ghi nhận tình trạng khó khăn của ngành này khi nền kinh tế tăng trưởng kém.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình sản xuất, tiêu thụ và đầu tư xi măng bảy tháng đầu năm ghi nhận tình trạng khó khăn của ngành này khi nền kinh tế tăng trưởng kém.
Tiêu thụ giảm dần
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, bảy tháng đầu năm 2011, cả nước sản xuất được 28,75 triệu tấn xi măng, đồng thời tiêu thụ được 28,42 triệu tấn.
Dù mức sản xuất và tiêu thụ này tương đương với 7 tháng đầu năm 2010, tuy nhiên theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, trong những tháng gần đây tiêu thụ đang có xu hướng giảm dần.
Bộ Xây dựng cho rằng việc một loạt dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án bất động sản bị đình trệ dẫn tới nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm sút chính là nguyên nhân của tình trạng này.
Một dẫn chứng là trong tháng 7/2011, mức tiêu thụ xi măng chỉ còn bằng 67,4% so với mức tiêu thụ của tháng 3/2011.
Vấn đề đáng nói là hiện nay ngành xi măng không gặp vấn đề gì về mặt sản xuất. Đến cuối năm 2010, cả nước có 59 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế là 62,56 triệu tấn.
Trong 7 tháng đầu năm 2011 đã có thêm 2 dây chuyền mới được hoàn thành và đang chạy thử với công suất 1,51 triệu tấn. Cộng với việc các xi măng lò đứng hiện cũng đang có tổng công suất là 3,48 triệu tấn, nguy cơ thiếu xi măng đã được loại trừ hoàn toàn.
Căng thẳng nợ nần
Đáng chú ý là với việc tiêu thụ cầm chừng, các doanh nghiệp xi măng đang gặp khó khăn lớn trong khâu trả nợ và khấu hao thiết bị, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp mới đầu tư, mới bắt đầu khấu hao hoặc khấu hao chưa đáng kể, như trường hợp một số nhà máy thuộc Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), xi măng Thái Nguyên, xi măng Đồng Bành…
Hầu hết các doanh nghiệp này vay vốn bằng ngoại tệ và với áp lực trả nợ ngoại tệ trong điều kiện tỷ giá tăng mạnh, các doanh nghiệp này thực sự đang gặp khó khăn.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, trong đó có 15 dự án bảo lãnh qua Bộ Tài chính và 1 dự án bảo lãnh qua Ngân hàng Nhà nước.
Tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 1,675 tỷ USD, tương đương 17,92% tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, tổng dư nợ của các dự án xi măng hiện vẫn còn tới 988,6 triệu USD.
Cũng trong số 16 dự án này, có 4 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ và Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay do đến kỳ hạn trả nợ, bao gồm xi măng Hoàng Mai, xi măng Tam Điệp, xi măng Thái Nguyên và xi măng Đồng Bành.
Theo kế hoạch, trong năm 2011 sẽ có 10 dự án xi măng đi vào hoạt động. Bộ Xây dựng cho biết, ngoài 2 dự án đã đi vào hoạt động là Tân Quang (Tuyên Quang) và Quán Triều (Thái Nguyên), 8 dự án khác với tổng công suất là 6,92 triệu tấn cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011, dẫn tới áp lực lớn về cung xi măng cho thị trường.
Bộ Xây dựng cho hay hiện nay một số dự án đã được đăng ký trong danh mục nhưng chưa khởi công và ký hợp đồng thiết bị đều đã được yêu cầu ngừng lại.