Đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam
TT - Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực như: dệt may, da giày, túi xách... liên tục nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng ngày càng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân chính là do xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiện một số doanh nghiệp trong nước đang nắm bắt cơ hội này bằng cách chủ động định hướng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng kế hoạch thu hút nhà đặt hàng.
Đơn hàng tăng vọt
"Dẫu cơ hội tới gần nhưng không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng có thể nắm bắt vì không đủ thực lực tài chính lẫn quy mô sản xuất để có thể đáp ứng được rất nhiều yêu cầu khắt khe của đối tác trong cả chuỗi quá trình sản xuất" Ông Nguyễn Đức Thuấn |
Từ đầu năm đến nay, đơn hàng của Công ty may túi xách Thái Dương (TP.HCM) gần như phủ kín với số lượng túi xách gia dụng (balô) xuất khẩu xấp xỉ 240.000 cái/tháng. Ông Trần Thái Dương, giám đốc công ty, cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng của công ty ông gia tăng khoảng 20%, trong đó “có nhiều đơn hàng được nhà đặt hàng cho biết đã chuyển từ Trung Quốc sang cho chúng tôi làm”.
Theo ông Dương, xu hướng các nhà đặt hàng chuyển bớt đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ như Thái Dương. “Chúng tôi đã phải chuyển bớt đơn hàng ra vệ tinh bên ngoài gia công giúp, đồng thời kiểm soát chặt quy trình sản xuất hiện tại để đáp ứng đúng thời hạn giao hàng. Nếu nguồn lực nhân công cho phép, khả năng nhận thêm đơn hàng không chỉ dừng lại ở mức 20% mà có thể tăng nhiều hơn nữa” - ông Dương tiếc rẻ. Để cải thiện năng lực sản xuất hiện tại, Công ty Thái Dương gấp rút đẩy nhanh tiến độ mở rộng nhà xưởng sản xuất với vốn đầu tư gần 8 tỉ đồng, nhằm đáp ứng đơn hàng cho đối tác trong thời gian sớm nhất.
Ông N.T., một doanh nghiệp xuất khẩu giày quy mô lớn hiện nay ở Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD/năm, xác nhận trong gần 30 triệu USD kim ngạch xuất khẩu đạt được của sáu tháng đầu năm 2011, gần 15% trong tổng kim ngạch đạt được là “nhờ khách đặt hàng chuyển bớt từ Trung Quốc về”.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho hay dù thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty hiện nay là Nhật, nhưng việc đơn hàng của công ty năm nay tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái là do nhà đặt hàng chuyển đơn hàng sang Việt Nam, thay vì chỉ dồn sang Trung Quốc như trước đây.
Cơ hội đang chờ
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), sở dĩ có tình trạng chuyển dịch nói trên vì chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện tăng quá nóng và quá đắt đỏ. Một điểm mạnh khác của các doanh nghiệp trong nước là năng suất lao động hiện được cải thiện rất nhiều so với trước, trình độ tay nghề của nhân công Việt Nam ngày càng “ghi điểm” hơn trong mắt các nhà đặt hàng nếu so với lao động các nước như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh...
Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Adidas, Nike, Puma, Coach, Prada... đang có sự phân bổ lại cấu trúc đặt hàng ở các nước. Trước đây, các thương hiệu nổi tiếng của thế giới sau một thời gian rất dài đặt hàng tại Trung Quốc, nay có xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, nhằm tạo một nguồn cung ổn định hơn với chi phí sản xuất phù hợp nhất. “Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp trong nước nếu nắm bắt và tận dụng cơ hội này” - ông Thuấn nhấn mạnh.
Hiện giới doanh nghiệp trong ngành sản xuất túi xách xuất khẩu đang thông tin khả năng một doanh nghiệp sản xuất giày lớn trong nước sẽ trở thành nhà cung ứng túi xách cho thương hiệu C nổi tiếng của Mỹ sau khi đã vượt qua được kỳ sát hạch của nhà đặt hàng này. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, để vượt qua kỳ sát hạch trên, doanh nghiệp này ngoài việc phải đầu tư trọn gói một nhà máy may túi xách có công suất sản xuất lên đến hàng triệu túi/năm (vốn khoảng 200 tỉ đồng), còn phải lập hẳn một trung tâm nghiên cứu thiết kế chế tạo hoàn chỉnh.
“Đây chính là điểm mấu chốt để nhà đặt hàng đánh giá khả năng và thực lực của doanh nghiệp tới đâu, liệu có đủ năng lực đáp ứng những đơn hàng với số lượng lớn - vốn đòi hỏi rất cao sự chủ động, linh hoạt trong khâu thiết kế và tạo mẫu” - một chuyên gia lâu năm trong ngành phân tích.
Doanh nghiệp FDI nhanh chân hơn Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chờ cơ hội tìm đến mình thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã nhanh chân có được không ít hợp đồng từ sự chuyển dịch nói trên. Ngoài quy mô sản xuất lớn, quy trình quản lý khép kín hiệu quả, bản thân các doanh nghiệp FDI lâu nay giữ vai trò “chân rết” của các thương hiệu toàn cầu, chi phối hơn 70% năng lực sản xuất của các ngành dệt may, da giày, túi xách các loại trong nước, đồng thời kiểm soát trực tiếp lượng hàng cần cung ứng cho các thị trường tiêu thụ khắp thế giới. |
TRẦN VŨ NGHI