Đồng thuận hạ lãi suất cho vay

Cập nhật: 2011-08-29 02:20:38

Lãnh đạo 12 ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội đã đồng thuận với chủ trương hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo 12 ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội đã đồng thuận với chủ trương hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Đây là nội dung chính của buổi làm việc giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với lãnh đạo 12 ngân hàng ngày 26-8.

Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì trần lãi suất huy động 14%. Tuy nhiên, để hạ lãi suất Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong cung ứng vốn ra thị trường. Một số quy định trong sử dụng vốn trên thị trường của các ngân hàng sẽ được điều chỉnh linh hoạt để ngân hàng có thể tăng tỷ lệ sử dụng vốn, thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất.

Thực tế với mức lãi suất cho vay cao  từ 22-25% đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong khi nhiều ngân hàng còn thừa vốn không cho vay được, nhưng vẫn phải giữ mức lãi suất cao để giữ khách hàng đảm bảo nguồn huy động.

Được biết, để hiện thực hóa việc kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một cuộc làm việc nữa với tất cả ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9 tới. Khi đó, các chính sách chính thức để hỗ trợ giảm lãi suất sẽ được công bố.

Theo các chuyên gia, để lãi suất giảm nhanh trong thời gian tới, trước mắt phải theo dõi sát biến động của thị trường, tình hình lạm phát…, trên cơ sở đó mới có thể tính đến việc cắt giảm chi phí đầu vào, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế thường rơi vào quý IV/2011, nên ngân hàng cần tăng lượng vốn huy động.

Theo bà Dương Thu Hương Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước họp các ngân hàng thương mại lớn về vấn đề hạ lãi suất thể hiện nỗ lực quyết liệt của của Ngân hành Nhà nước và Hiệp hội sẽ nỗ lực định hướng, kêu gọi thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước.

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nên bỏ dần các biện pháp hành chính, có thể để trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động, khi đó sẽ có căn cứ pháp lý khi xử lý vi phạm, bỏ động lực tìm kiếm người vay lãi suất cao. Đồng thời cũng cần phải tính đến sử dụng nhiều hơn công cụ dự trữ bắt buộc để điều tiết.

Thực tế trước đây có cũng đã từng kêu gọi đồng thuận hạ lãi suất cho vay nhưng nhiều ngân hàng vẫn nghĩ ra các khoản phí khiến lãi vay thực tế vẫn cao. Do đó cần có quy định, chế tài mới kiểm soát các loại phí, giảm việc lạm dụng thu các loại phí, phụ phí.

Như đã đưa tin, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước vào chiều 25-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu cơ quan này cần tập trung phân tích khó khăn của các doanh nghiệp để đưa ra mức độ ưu tiên vốn cụ thể đối với từng đối tượng.

 

Ngày 24-8, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo dành 500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu "Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi".

Mức lãi suất được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu là 17%/năm cho mục đích bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu. Thời gian cho vay tối đa 3 tháng.

Một số ngân hàng khác như Techcombank, HD Bank, ABBANK cũng đã tuyên bố áp dụng lãi suất ưu đãi, với mức giảm 1,5% so với mức lãi suất thông thường cho doanh nghiệp.

Theo Vietnam+

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading