Đồng Việt Nam sẽ ổn định trong năm 2012

Cập nhật: 2012-02-22 02:27:42

Đó là nhận định của Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC trong báo cáo Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam 2012.

Đó là nhận định của Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC trong báo cáo Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam 2012.

Báo cáo cho rằng, trái ngược với năm 2011 đồng tiền suy giảm mạnh, lạm phát cao và Nhà nước áp dụng nhiều công cụ thắt chặt chính sách, thì năm 2012 sẽ ổn định hơn.

Một số yếu tố góp phần tạo nên xu hướng trên là lạm phát tăng chậm, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn, vị thế thương mại và tài chính đã được cải thiện. Thâm hụt thương mại dự kiến sẽ duy trì ở mức 10,1 tỷ đôla Mỹ trong năm 2012 (so với 9,8 tỷ đôla Mỹ năm 2011), cân đối ngân sách của Chính phủ ước tính sẽ giảm xuống 3,8% trong năm nay từ mức 3,9% của năm ngoái.

Đồng Việt Nam cũng đã ổn định trong vài tháng gần đây. Trong lịch sử, tiền đồng thường chịu nhiều áp lực lớn ở dịp Tết Nguyên Đán vì nhu cầu đồng đôla Mỹ cao. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra trong thời điểm cuối năm 2011 vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhập khẩu tăng chậm hơn xuất khẩu, góp phần làm giảm thâm hụt thương mại. Thêm vào đó là những yếu tố như lượng kiều hối tăng mạnh (ước tính khoảng 10 tỷ đôla Mỹ, tăng so với 8,4 tỷ đô la Mỹ năm 2010) và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã củng cố thêm cho cán cân thanh toán.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước tăng tỷ giá tham chiếu hằng ngày, cho phép đồng Việt Nam từ từ trượt giá cũng như can thiệp vào khi biên độ chênh lệch mở rộng. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tốc độ thanh toán những khoản vay bằng USD vì họ dự đoán sẽ có sự tăng giá vào cuối năm. Cầu đôla Mỹ tăng cao vào tháng 10/2011 đã khiến họ phải tự chuẩn bị trước. Chính vì vậy, nhu cầu ngoại tệ trong suốt tháng 12/2011 và tháng 1/2012 thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước đó.

Cuối cùng, nhu cầu đồng nội tệ tăng lên trong dịp Tết Nguyên Đán do những yếu tố thời vụ và do hệ quả của việc hợp nhất ba ngân hàng nhỏ. Nhiều nhà băng nhỏ đã không thể vay được đồng Việt Nam trên thị trường qua đêm vào thời điểm này, và họ phải dùng tài sản thế chấp để vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách bơm vốn trên thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày, cũng như kỳ hạn 21 ngày vào tháng 1. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu đồng Việt Nam, nhưng vẫn không đủ để thỏa mãn tất cả nhu cầu. Tỷ giá USD/VND không chính thức đã tăng nhẹ và vẫn duy trì mức ổn định tương đối từ tháng 11/2011. Thực vậy, tỷ giá không chính thức đã thu hẹp lại và gần bằng tỷ giá liên ngân hàng qua đêm cũng như tỷ giá tham chiếu.

Điều đáng khích lệ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2012 là Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đang truyển tải những dự định của mình một cách rõ ràng và thực hiện được những lời hứa của mình. Ông đã tuyên bố rằng đồng nội tệ sẽ không phá giá hơn 1% từ tháng 9/2011 đến hết năm 2011, và thực tế đã diễn ra như vậy.

Ông cũng đề cập việc đồng Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá, nhưng Việt Nam sẽ cố gắng để tránh mức trượt giá cao như đã xảy ra vào tháng 2/2011, khi đồng nội tệ giảm 8,5%. Vì vậy, đồng Việt Nam có thể sẽ giảm giá từ từ trong năm 2012. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói rằng, nếu không có thêm bất cứ yếu tố tác động khách quan thì VND có lẽ sẽ giảm giá khoảng 3% trên giá trị vào cuối năm 2012.

Ngoài ra, với tỷ lệ lạm phát đang giảm xuống, HSBC tin rằng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất vào cuối quý 1 năm 2012. Thực tế, cơ quan này đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng với việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho vài ngành kinh tế cụ thể.

Lệ Chi

Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading