Đột phá trong xuất khẩu xi măng, Clinker Việt Nam
Ngày 8/2 vừa qua, tàu Panamax - MV.AJP Suryavir trọng tải 72.903 DWT đã cập bến cảng biển Hòn Gai - Quảng Ninh để nhận 72.000 tấn Clinker.
Ngày 8/2 vừa qua, tàu Panamax - MV.AJP Suryavir trọng tải 72.903 DWT đã cập bến cảng biển Hòn Gai - Quảng Ninh để nhận 72.000 tấn Clinker.
Đây là chuyến tầu lớn nhất từ trước đến nay được xếp đầy tải vào biển phía Bắc Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá và tạo sự khởi sắc trong lĩnh vực xuất khẩu clinker, xi măng của Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2012.
Tình hình xây dựng trầm lắng trong năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng trong nước trong đó có xi măng. Trong khi đó, công suất sản xuất của các nhà máy xi măng thì ngày càng đi vào ổn định. Tính đến đầu năm 2012, tổng công suất toàn ngành xi măng đạt gần 60 triệu tấn mỗi năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước hiện nay chỉ khoảng gần 50 triệu tấn.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự báo nhu cầu trong nước đến năm 2020 khoảng 95 triệu tấn. Trong khi đó, dự kiến đến năm 2020 tổng công suất trong cả nước đạt 130 triệu tấn. Thực tế đó cho thấy sản xuất xi măng đang dần vượt xa nhu cầu tiêu thụ, đòi hỏi ngành xi măng phải tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường quốc tế để nâng cao sản lượng xuất khẩu.
Kể từ năm 2010, một vài chuyến tàu cỡ nhỏ 12.000 DWT đến 40.000 DWT đã bắt đầu giao những chuyến hàng Clinker đầu tiên đi Bangladsesh và Đài Loan… đến nay đã thu được kết quả tốt đep là sản lượng Clinker và xi măng xuất khẩu đạt trên 5 triệu tấn năm 2011 đã khẳng định chất lượng, thương hiệu của Clinker, xi măng Việt Nam.
Ông Nghiêm Hoàng Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty Peakward Việt Nam Ltd., cho biết: "Những năm trước, Peakward đã có kế hoạch đưa tàu Panamax đến Hòn Gai nhận hàng nhằm nâng cao sản lượng và giảm giá thành vận chuyển, tuy nhiên năng suất bốc xếp vẫn đạt mức trung bình 5.000 - 6.000 tấn trong một ngày, nên mục tiêu này vẫn chưa thể thực hiện được. Đầu năm 2012, sau quá trình thử nghiệm với các tàu Handy Max 40.000 - 45.000 tấn đến xếp hàng đầy tải, Peakward Việt Nam đã tiến thêm trong việc thử nghiệm tàu Panamax cụ thể MV. Wanda 67.000 DWT vào cảng biển Hòn Gai và ngày 12/1 nhận hàng 65.300 tấn Clinker từ nhà máy xi măng Hạ Long.
Và đến nay, cùng với sự hợp tác và quyết tâm của các đối tác như doanh nghiệp Nam Phương, đại lý Hàng Hải Minh Dương, chúng tôi đã thành công trong việc đưa tàu Panamax MV. APJ Suryavir trọng tải 72.903 DWT xếp 72.000 tấn Clinker, với năng suất xếp dỡ bình quân đạt 12.000 tấn một ngày và đã rời cảng Hòn Gai ngày 16/2. Sự kiện này là một dấu mốc cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, giúp giảm áp lực cung vượt quá cầu trong nước".
Công ty Peakward Việt Nam - công ty thành viên của Peakward Enterprises Holdings Ltd (Hong Kong) là đơn vị có lượng xuất khẩu Clinker lớn với sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn Clinker mỗi tháng, với thị trường chủ yếu là Bangladesh - một thị trường có ảnh hưởng lớn nhất đối với xuất khẩu Clinker Việt Nam. Dự kiến tổng sản lượng xuất khẩu năm 2012 sẽ đạt từ 500.000 - 600.000 tấn trong một tháng.
Với những con số ấn tượng từ một nhân tố điển hình như vậy, xuất khẩu xi măng Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin so sánh với các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc về khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, cũng như khả năng cung cấp xi măng và clinker của mình.
(Nguồn: Clinker Việt Nam)