Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần qua, trong khi giá gạo Thái Lan giảm khá mạnh do khả năng Chính phủ nước này sẽ sớm xả kho gạo tạm trữ.
Trái với xu hướng giảm giá của gạo Thái Lan, giá gạo Việt Nam tuần qua tăng nhẹ.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần qua, trong khi giá gạo Thái Lan giảm khá mạnh do khả năng Chính phủ nước này sẽ sớm xả kho gạo tạm trữ.
Hiện gạo Thái đang rẻ nhất kể từ trước cuộc bầu cử năm 2011 đưa bà Yingluck Shinawatra vào ghế Thủ tướng...
Tin từ Reuters cho biết, có vẻ như Chính phủ Thái Lan sắp tới sẽ bán mạnh gạo từ các kho tạm trữ. Trong bối cảnh nhu cầu gạo của thị trường quốc tế ảm đạm, thông tin này đã đẩy giá gạo Thái giảm sâu nhưng vẫn ở mức cao hơn giá gạo Việt Nam.
Giữa tuần vừa rồi, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 480 USD/tấn, giảm từ mức 520 USD/tấn trong tuần trước đó. Hiện gạo Thái đang rẻ nhất kể từ trước cuộc bầu cử năm 2011 đưa bà Yingluck Shinawatra vào ghế Thủ tướng với lời hứa sẽ tăng mạnh giá thu mua lúa gạo từ nông dân.
Hôm thứ Tư tuần trước, tân Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach cho biết, ông sẽ gặp gỡ các nhà xuất khẩu và xay xát gạo để cân nhắc các biện pháp xả kho tạm trữ gạo, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước từ chương trình can thiệp thị trường gây tốn kém này.
Theo ông Yanyong, Thái Lan sẽ bán gạo cho nước ngoài theo kênh chính phủ và mở thầu để bán cho các nhà xuất khẩu, thậm chí sẽ bán lẻ dưới dạng những túi gạo 1 kg dùng để làm quà tại các sân bay. Theo giới giao dịch, với những cân nhắc này của Chính phủ, khả năng thị trường Thái Lan tràn ngập nguồn cung gạo trong thời gian tới là rất lớn.
“Giá gạo Thái có thể chịu áp lực giảm trong những tháng tới do nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu gạo toàn cầu vẫn ở mức thấp”, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhận định.
Đầu tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã quyết định hủy kế hoạch cắt giảm mức giá mua thóc tạm trữ từ nông dân xuống còn 12.000 Baht/tấn từ mức 15.000 Baht/tấn. Trước đó, các nhà chức trách Thái Lan đã lên kế hoạch áp dụng mức giá mới thấp hơn này từ ngày 1/7 nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nông dân.
Một số thương nhân cho rằng, ngoài những khoản thua lỗ khổng lồ đối với ngân sách, sự cần thiết phải có thêm kho chứa cho số thóc gạo mua thêm sẽ gây áp lực buộc Chính phủ Thái phải bán ra một phần kho tạm trữ. “Mặc dù giá mua thóc tạm trữ đã trở lại mức 15.000 Baht, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan không tăng lên theo. Đó là do triển vọng gia tăng nguồn cung gây áp lực lên giá. Chúng tôi tin là Chính phủ sẽ sớm bán gạo ra”, một thương nhân ở Bangkok nói.
Bộ trưởng Yanyong không nói rõ tới khi nào thì phiên đấu thầu gạo đầu tiên sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, giới chức ngành gạo Thái Lan nói rằng, hoạt động đấu thầu gạo có thể sẽ bắt đầu trong một vài tuần tới.
Trái với xu hướng giảm giá của gạo Thái Lan, giá gạo Việt Nam tuần qua tăng nhẹ do nhu cầu mua những loại gạo có chất lượng cao hơn mà các công ty xuất khẩu cần có để trộn với các loại gạo khác để tạo ra loại gạo đạt phẩm cấp xuất khẩu.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên trong khoảng 370-420 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 370 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm dao động trong khoảng 338-350 USD/tấn, từ mức 340 USD/tấn.
“Chúng tôi phải pha trộn gạo vụ Đông Xuân với gạo của vụ Hè Thu, vì thế giá phải tăng lên”, một nhà xuất khẩu gạo tại Tp.HCM nói. Theo vị này, nhu cầu của thị trường nói chung vẫn ở mức thấp.
Chất lượng gạo thấp của vụ Hè Thu do thời tiết mưa ẩm đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế mua. Từ giữa tháng 6 vừa rồi, các công ty xuất khẩu gạo đã mua thóc vụ Hè Thu theo chương trình tạm trữ 2 triệu tấn quy gạo của vụ này nhằm hỗ trợ giá.
Theo An Huy