Giá gas giảm chưa đúng mức

Cập nhật: 2012-04-03 02:42:41

Dù giá gas tháng 4 -2012 đã giảm mạnh nhưng với giá bán lẻ 405.000 - 442.000 đồng/bình 12 kg, giới kinh doanh gas vẫn còn móc túi người tiêu dùng thêm 60.000 -100.000 đồng/bình

Dù giá gas tháng 4 -2012 đã giảm mạnh nhưng với giá bán lẻ 405.000 - 442.000 đồng/bình 12 kg, giới kinh doanh gas vẫn còn móc túi người tiêu dùng thêm 60.000 -100.000 đồng/bình

Giá gas thế giới đang tuột dốc, kéo giá bán lẻ trong nước giảm khá mạnh, từ 66.000 đến 72.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, mức giảm này vẫn chưa thấm tháp gì so với mức giảm của giá thế giới.

Loạn giá

Đầu tháng 4-2012, các hãng gas trong nước đã đồng loạt giảm giá bán lẻ gas khá mạnh nhưng với mức khác nhau khiến chênh lệch giá giữa các hãng khá cao.

Ngày 1-4, Saigon Petro công bố mức giảm 72.000 đồng/bình 12 kg so với giá bán lẻ trước đó, xuống còn 405.000 đồng/bình 12 kg. Trong khi đó, ông Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Gas Petrolimex Saigon, cho biết giá gas của công ty ông cũng giảm 72.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ lên đến 414.000 đồng/bình 12 kg và 454.000 đồng/bình 13 kg.
Từ ngày 1-4, giá gas trong nước giảm mạnh 66.000 đồng -72.000 đồng/bình 12 kg 
nhưng so với thế giới vẫn còn rất cao. Ảnh: Hồng Thúy
Các hãng gas khác như Vinagas, Gia Đình, VT Gas có mức giảm chỉ 66.000 đồng/bình 12 kg nên giá bán lẻ công bố của Vinagas, VT Gas là 411.000 đồng/bình, Gia Đình 412.000 đồng/bình. Một số hãng gas khác còn có mức giá bán lẻ cao hơn như Shell Gas với 442.000 đồng/bình 12 kg, Elf Gas: 438.000 đồng/bình 12,5 kg... 

Tại nhiều đại lý, giá bán đến tay người tiêu dùng còn cao hơn giá công bố của công ty. Chẳng hạn, Saigon Petro công bố giá bán lẻ là 405.000 đồng/bình 12 kg nhưng nhiều đại lý đẩy lên 410.000 đồng/bình. Các loại gas khác cũng bị điểm bán lẻ đẩy giá lên 5.000 - 10.000 đồng/bình. Nhiều đại lý giải thích sở dĩ giá bán lẻ cao hơn giá công bố của các công ty là do họ vẫn còn hàng tồn nên phải cộng thêm 5.000 - 10.000 đồng/bình để bù đắp nguồn hàng giá cao trước đó.

Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu thị trường gas, hiện tượng chênh lệch giá giữa các hãng gas với nhau và giữa các hãng với đại lý là do giá gas thế giới mới bước vào chu kỳ giảm mạnh. Vì vậy, nên một số hãng gas trong nước cũng như các đại lý cố tình “neo” giá ở mức cao để có lời hơn. Các hãng gas cũng tiêu thụ được nhiều hàng hơn thông qua việc chiết khấu cho đại lý tăng lên…

Chênh lệch cả trăm ngàn đồng/bình

Theo tính toán của một doanh nghiệp kinh doanh gas tại TPHCM, giá gas thế giới hiện đang thấp hơn rất nhiều so với trong nước. Cụ thể: Với mức giá thế giới giao tháng 4 chỉ còn 992,5 USD/tấn (tức giảm 212,5 USD/tấn so với giá CP tháng 3), cộng với phí premium (phí vận chuyển, lợi nhuận tài chính của nhà xuất khẩu, bảo hiểm…) và thuế GTGT 10% (thuế nhập khẩu hiện nay là 0%)… thì giá gas về đến các cảng TPHCM chưa tới 1.200 USD/tấn. Nếu tính với tỉ giá 21.000 đồng/USD thì giá gas chỉ khoảng 23.000 đồng/kg (tức khoảng 276.000 đồng/bình 12 kg).

Khi đến tay người tiêu dùng, giá gas phải cộng thêm chi phí vận chuyển, quản lý, lợi nhuận doanh nghiệp, khấu hao vỏ bình… khoảng 30.000 đồng/bình; cộng thêm mức chiết khấu tổng đại lý, đại lý bán lẻ 30.000 - 40.000 đồng. Như vậy, mỗi bình gas 12 kg bán lẻ chỉ với giá 336.000 - 346.000 đồng là doanh nghiệp đã có lãi khá. Tuy nhiên, dù giá gas tháng 4 đã giảm mạnh nhưng với giá bán lẻ từ 405.000  đến 442.000 đồng/bình 12 kg (tùy hãng) như hiện nay, giới kinh doanh đang chia nhau móc túi người tiêu dùng thêm 60.000 - 100.000 đồng/bình.

Theo nhận định từ giới chuyên môn, trong tháng 4 này, giá gas thế giới có thể sẽ còn tiếp tục giảm thêm vài chục USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ đang giảm rất mạnh vì đã qua mùa đông, nguồn gas trở nên dư thừa. Từ đó, giá gas trong nước sẽ còn có cơ hội giảm thêm. Tuy nhiên, nhiều hãng gas cho biết thông thường, họ chốt giá bán từ đầu tháng; còn trong tháng, nếu giá thế giới giảm thêm thì phải đợi tháng sau họ mới điều chỉnh giá.

Nhiều vụ kinh doanh gas trái phép

Trong tháng 3 vừa qua, QLTT TPHCM đã kiểm tra và phát hiện 33 vụ vận chuyển, kinh doanh gas vi phạm các quy định hiện hành. Trong đó, các lỗi vi phạm nhiều nhất là kinh doanh gas không niêm yết giá, không hóa đơn chứng từ, sang chiết và kinh doanh gas lậu... QLTT TPHCM đã tạm giữ 422 bình gas có dấu hiệu giả, 1.120 niêm van, tem, nắp đầu van giả nhãn hiệu các hãng gas uy tín.

LONG GIANG
Tin tứcQuy địnhBảng giá QC
Góp ý
Loading